Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang

(Dân trí) - Sau những buổi mưu sinh trên đường đời, những trẻ em khuyết tật, lang thang lại quay về quán cà phê “Cội nguồn” học vẽ và sáng tạo nên những tác phẩm đẹp bên những anh chị, em cùng chung cảnh ngộ.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 1

Hầu hết thành viên ở "Cội nguồn" đều khuyết tật.

Chốn tìm về của những mảnh đời “tàn nhưng không phế”

“Cội nguồn” là tên gọi của một quán cà phê nằm trong con hẻm nhỏ cách thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) độ chừng chưa đến 5km. Nơi đó, trong một gian nhà gạch nhỏ ấm cúng dựng riêng biệt ở một góc vườn yên tĩnh, những người khuyết tật, hầu hết là trẻ em lang thang, phải mưu sinh sớm, thường quay về để học chữ, học vẽ. Có em điếc, có em câm, có em bị tai biến, chân tay nhỏ xíu, còng queo..., mưu sinh bằng đủ thứ nghề đánh giày, bán vé số, bán nhang... Sau những buổi lặn lội mưu sinh, các em quay về “Cội nguồn” học vẽ và dần dần tự tay sáng tạo nên những tác phẩm đẹp, để có thể hoàn toàn tự tin rằng mình tàn nhưng không phế.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 2

Với những sản phẩm vẽ theo mẫu đẹp như thế này, các em nhỏ khuyết tật có thể tự tin rằng mình "tàn nhưng không phê".

Trong gian nhà gạch nung nhỏ ấm cúng, xung quanh là những bức tranh mẫu, những thùng giấy chất đầy những sản phẩm thủ công do các em sáng tạo, những bàn tay miệt mài với sắc màu, đường nét. Nhiều em chỉ nhận ra sự hiện diện của khách bằng một cái vỗ vai nhè nhẹ để ngẩng lên cười chào tươi rói. Các em không cảm nhận được âm thanh, và cũng không thể biểu đạt ngôn từ bằng giọng nói. Thầy trò giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, dấu hiệu bằng tay và bằng chữ viết.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 3

Nhiều em không thể nghe, nói, thầy trò trao đổi với nhau bằng dấu hiệu tay và chữ viết.

Anh Đỗ Đức Cường - người xây dựng “Cội nguồn” và mời những người bạn quen về dạy mỹ thuật cho các em ở đây - vốn là một thầy giáo dạy võ ở Nhà văn hóa huyện Duy Xuyên, tâm sự: “Đã từ lâu, tôi vẫn gặp các em lang thang trên đường mưu sinh. Sớm mưu sinh với những trẻ em nghèo bình thường đã nhiều vất vả, huống chi đây là những em khuyết tật, khó khăn vô cùng. Tôi muốn làm một điều gì đó, trong khả năng của mình, để chia sẻ với các em. Vậy là tôi dành một góc vườn nhà, xây một gian nhà nhỏ cho các em. Bất cứ khi nào rỗi rãi, các em đều có thể tìm về đây học chữ, học vẽ và nghỉ ngơi. Chính các em, với khả năng giới hạn của mình, đã nổ lực miệt mài sáng tạo nên những sản phẩm đẹp, khiến tôi thực sự khâm phục. Tôi thấy mình nhận được nhiều hơn những gì đã cho đi”.

Nụ cười lạc quan và những ước mơ bay lên từ “Cội nguồn”

17 tuổi, bị tật câm điếc bẩm sinh, Liên chưa một lần đến trường học. Lớp học đầu tiên có bạn, có thầy của Liên là “Cội nguồn”. Các đây hơn 2 năm, khi đến với “Cội nguồn”, Liên chưa biết chữ. Bây giờ, Liên đã có thể viết nắn nót tên mình và những câu giao tiếp đơn giản. Bất ngờ với chúng tôi là những bức tranh vẽ theo mẫu trên mo cau được Liên khoe bằng nụ cười tươi rói. Trong ánh mắt của cô gái 17 tuổi ngồi giữa bạn bè cùng cảnh ngộ, miệt mài bên tác phẩm của mình, lấp lánh niềm vui được sẻ chia. Liên xếp những bức tranh và biểu hiện ước mơ trở thành họa sĩ.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 4

Liên khoe sản phẩm vẽ theo mẫu vừa hoàn thành và chia sẻ ước mơ trở thành họa sĩ.

Còn Quy, 22 tuổi, là nạn nhân chịu di chứng chất độc da cam, tay chân không cử động đúng chức năng như người bình thường. Cha mẹ bỏ nhau, và bỏ Quy, Quy sống cù̃ng người cô ở thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước. Hàng ngày Quy tự đẩy xe lăn đi bán nhang, rồi về “Cội nguồn” học vẽ, tập làm thơ.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 5

Hình ảnh Quy "vượt lên chính mình" qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hải.

Anh Cường khoe với chúng tôi những bức tranh của Quy, và kể về Quy với sự khâm phục: “Có nhìn thấy tàn tích chiến tranh và sự tàn phá của chất độc da cam trên cơ thể Quy, nhìn thấy nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần của Quy mới thấy khâm phục nghị lực vượt lên chính mình của cậu ấy. Những bức tranh sắc sảo đường nét này, cậu ấy vẽ bằng chân”.

Mái ấm của những trẻ khuyết tật lang thang - 6

Anh Cường cho biết̉ những bức tranh của Quy đều vẽ bằng chân.

Từ “Cội nguồn”, hàng chục mảnh đời không may khuyết tật, như Liên, như Quy, đã tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia, vượt lên khó khăn, tự khẳng định mình, và nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích. Bởi các em được quan tâm và được đón nhận niềm tin rằng các em “tàn nhưng không phế”.

Khánh Hiền