Góp ý dự thảo về học phí chất lượng giáo dục cao:

Mập mờ tiêu chuẩn chất lượng cao

Khái niệm chất lượng giáo dục cao của dự thảo về học phí chất lượng giáo dục cao đã gây nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc vì chương trình cũ và giáo viên cũng được đào tạo sư phạm kiểu cũ.

Phải có tiêu chuẩn cụ thể

Điều 2 dự thảo nêu: “Chất lượng giáo dục cao là chất lượng giáo dục được cam kết cùng với điều kiện thực hiện ở mức độ cao hơn so với mức độ đạt được tại thời điểm cam kết”.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, đặt câu hỏi: “Vấn đề là các trường, lớp chất lượng cao này học theo chương trình nào? Có một chương trình riêng cho các trường, lớp chất lượng cao này hay vẫn học theo chương trình phổ thông hiện nay? Nếu theo chương trình phổ thông hiện nay thì các trường đạt chuẩn gần như 100% học sinh đều đạt khá giỏi rồi, tốt nghiệp cũng được 100% đấy thôi, thì còn mức nào cao hơn nữa?”.

Theo ông Danh, “nếu có một chương trình riêng cho các trường, lớp chất lượng cao thì khái niệm chất lượng giáo dục được cam kết mà dự thảo đặt ra rất lập lờ. Một khi đã theo chương trình chất lượng cao thì phải thực hiện kết quả theo chương trình yêu cầu, chứ không phải theo cam kết. Nên hình dung thế này, chương trình yêu cầu cấp độ 3 nhưng cam kết chỉ đạt cấp độ 2, như vậy đâu có được. Dạy chương trình thì kết quả phải theo chương trình, tại sao lại theo cam kết của trường? Có sự vênh ở đây, chương trình ở trên, cam kết chỉ ở dưới. Do đó, phải theo yêu cầu chất lượng của chương trình, không thể theo cam kết của trường được.

Mập mờ tiêu chuẩn chất lượng cao
Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng cho mô hình trường chất lượng cao, tránh kiểu lập lờ để thu tiền phụ huynh. Trong ảnh: Một giờ học toán của Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM).

Dự thảo cũng nêu: “Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục là các yêu cầu đối với nhà trường để đảm bảo chất lượng giáo dục” rồi không nói gì nữa. Chất lượng giáo dục là gì? Phải nói rõ ra là chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu của một trường chất lượng cao nếu không thì lập lờ với các trường khác. Phải đưa ra được những tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng với học sinh; điều kiện, tiêu chuẩn giáo viên thế nào… Ngược lại, nếu việc thu phí cao mà không có chương trình học riêng, vẫn là học chung với hệ phổ thông thì chỉ là một cách lập lờ để thu tiền thêm của phụ huynh”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội), cũng đồng tình cho rằng: “Chất lượng cao thì phải có nội hàm, có trọng tài chứ không phải cứ để cho nhà trường và phụ huynh thỏa thuận. Vì phụ huynh có biết thế nào là chất lượng cao. Chưa kể, đội ngũ thầy giáo được đào tạo như thế nào. Dự thảo đã quy định chuẩn giáo viên được xem xét trên cơ sở văn bằng chứng chỉ là chính thì phải làm rõ căn cứ để đánh giá kiểm tra, xác nhận năng lực trình độ. Phải làm rõ về chương trình, làm rõ về ông thầy, tiếp đó mới là thỏa thuận về học phí giữa phụ huynh và nhà trường”.

Ai đánh giá chất lượng cao?

Anh Nguyễn Hải Ngọc, công tác tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, có con trai đang học tại Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), băn khoăn về việc đánh giá hiệu quả của khoản chất lượng cao: “Liệu nhà trường có cam kết đóng học phí cao thì chắc chắn chất lượng sẽ cao hơn không và cao đến mức nào? Nếu học sinh không đạt được kết quả học tập như cam kết tại thời điểm thì có được nhận lại học phí đã đóng không?”.

Ông Danh nhấn mạnh phải làm rõ nội dung, tiêu chuẩn chất lượng cao mới có cơ sở công nhận, cho phép thu học phí chất lượng cao và có điều kiện kiểm tra đánh giá. Theo dự thảo thì “Trường mầm non, phổ thông công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD&ĐT”. Nhiều phụ huynh tỏ ra nghi ngại tính khách quan của quy định này khi các cơ quan chủ quản các trường vừa là người cho phép vừa là người kiểm tra đánh giá.

TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị: “Cần đưa thêm vào một lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tại chỗ, gọi là hội đồng giám sát cộng đồng. Hội đồng này có đại diện là giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền và những người có năng lực và hiểu biết về giáo dục tham gia. Đội ngũ này hoạt động độc lập với nhà trường, chuyên làm nhiệm vụ giám sát kết quả đào tạo chương trình của nhà trường thực hiện. Họ sẽ kiểm tra định kỳ để phát hiện kịp thời những gì nhà trường chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước”.

Xóa dần phương pháp dạy học cũ…

Dự thảo của Bộ GD&ĐT cho phép thu phí chất lượng cao (CLC) từ mầm non tới THPT nhưng chưa rõ ràng trong khái niệm, quy trình, kế hoạch chuẩn bị nguồn lực cũng như cơ sở vật chất. CLC ở đây không đồng nghĩa với trường chuyên lấy điểm đầu vào cao, hay tổ chức những dịch vụ đưa đón, ăn ở... cao mà vấn đề là hoạt động dạy học đem lại hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu chính đáng của xã hội.

Theo tôi, trường CLC là trường tổ chức dạy và học đáp ứng tốt nhất yêu cầu, đòi hỏi của xã hội về nguồn nhân lực là có sức khỏe, thông minh, bản lĩnh, có năng lực hợp tác, nắm vững khoa học kỹ thuật, làm chủ được phương tiện thông tin của thời đại….

Để đáp ứng yêu cầu nêu trên chúng ta phải tổ chức lại nhà trường, giảm sĩ số trong lớp (30 học sinh/lớp), tăng thời gian học tập và hoạt động của học sinh trong nhà trường (học hai buổi/ngày). Trang bị dụng cụ học tập cho từng học sinh thực hành, không phải trang bị để biểu diễn và đặc biệt giáo viên phải được tập huấn để dạy cá thể thay vì dạy số đông truyền thụ kiểu áp đặt một chiều như hiện nay.

Suốt bậc THPT phải coi trọng đánh giá, nhận xét của giáo viên về học sinh, phát huy vai trò tự đánh giá bản thân mình của học sinh thay cho việc đánh giá qua các kỳ thi như tốt nghiệp THPT chỉ làm nặng nề thêm về hình thức, đưa cả hệ thống giáo dục lúc nào cũng lo thành tích, đối phó với thi cử.

Các trường muốn xây dựng chất lượng cao thì phải có các điều kiện cơ bản, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Khó khăn của giáo viên hiện nay là được đào tạo sư phạm kiểu cũ và điều kiện, phương tiện làm việc không bằng giáo viên các nước có nền giáo dục tiên tiến. Chúng ta giúp cho giáo viên khắc phục được hai khuyết điểm này thì họ sẽ giảng dạy rất tốt với phương pháp mới, phương pháp dạy học quốc tế một cách tự tin”. - TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

 

Theo Pháp luật TPHCM