“May áo” hội nhập cho giáo dục Đại học

(Dân trí) - Giáo dục đại học Việt Nam đang cần một “tấm áo bảo hộ” để tránh được những rủi ro đáng tiếc trên con đường trở thành một “thị trường” đại học. Dân trí xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia giáo dục của quốc tế và Việt Nam trong việc cố gắng thiết kế “tấm áo bảo hộ” này.

4 nguyên tắc vàng khi trở thành thị trường ĐH - T.S Ruben C.Umaly, Tổng thư ký Hiệp hội các trường ĐH khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Trong thế giới toàn cầu, các trường ĐH hơn bao giờ hết cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, là kênh phân phối, chia sẻ thông tin, kiến thức, sự hiểu biết và các công nghệ sáng tạo có lợi cho cộng đồng. Các trường cần đưa ra nhữug quyết định phù hợp và các sáng kiến hành động nhằm đổi mới hệ thống giáo dục tốt hơn hướng tới tương lai toàn cầu, ổn định mà vẫn giữ lại các chức năng nhiệm vụ truyền thống.

Theo đó, có 4 nguyên tắc vàng cần cho các trường ĐH Việt NamN: 1. Phải đào tạo được kỹ năng về công nghệ, kiến thức và hiểu biết về khoa học, công nghệ; Kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ hiệu quả. 2. Hiểu biết, tôn trọng và tiếp thu các nền văn hoá khác, khả năng hoà nhập với cộng đồng. 3 Áp dụng quy trình giáo dục liên thông trong giáo dục chính thống. 4. Xây dựng các tiêu chuẩn về kiểm định công nhận và bảo đảm chất lượng giáo dục.

“May áo” hội nhập cho giáo dục Đại học - 1

4 rủi ro khi tham gia thị trường ĐH - T.S Jane Knight, Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế Viện Ontario về nghiên cứu giáo dục, ĐH Toronto, Canada

Rủi ro và lợi nhuận có thể khác biệt giữa nước nhận và nước gửi, giữa các nước phát triển và nước đang phát triển, đối với sinh viên, các tổ chức giáo dục, các công ty và những nhà tuyển dụng.

Trong xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động giáo dục xuyên quốc gia, một điều cần lưu ý là lĩnh vực giáo dục đại học cần phải được thông báo và thận trọng với những rủi ro và lợi ích, quan trọng hơn là phải có những chính sách thích hợp và các quy định để định hướng và giám sát những phát triển hiện tại và tương lai.

Tham gia thị trường ĐH, Việt Nam cần phải biết trước nhữug rủi ro sau đối với nền giáo dục ĐH của mình: 1. Rủi ro có thể từ việc tăng số lượng các nhà cung cấp kém chất lượng. 2. Rủi ro từ sự sụt giảm trong tài trợ công nếu có nhiều nhà cung cấp nước ngoài. 3.  Rủi ro khi số lượng các nhà cung cấp giáo dục đại học nước ngoài không ổn định nếu lợi nhuận biên thấp. 4. Rủi ro khi bằng cấp do nước ngoài cấp không được các nhà tuyển dụng trong nước chấp nhận, sử dụng quá nhiều tiếng Anh như là ngôn ngữ hướng dẫn, và mục tiêu chính sách giáo dục đại học quốc gia không đạt được.  

“May áo” hội nhập cho giáo dục Đại học - 2

3 câu hỏi bắt buộc cho Bộ GD-ĐT - GS Kai-ming-Cheng, ĐH Hồng Kông

Tôi thấy Việt Nam nói nhiều về thương mại giáo dục nhưng dường như chúng ta không hiểu nhiều về thương mại giáo dục. Vậy làm thế nào để thương mại hoá giáo dục được?

 

Gia nhập WTO thì có lợi cho kinh tế nhưng chúng ta phải nhìn vượt ra khỏi khái niệm kinh tế để nhìn tới người dân chúng ta và đất nước chúng ta. Khi gia nhập WTO thì phải chuẩn bị đổi mới thế nào cho giáo dục?

 

Gia nhập WTO chúng ta có lợi là cạnh tranh với thế giới nhưng chúng ta phải chịu đau đớn nào không? Chắc chắn là có. Ví dụ ở  Malaixia. Nhà nước Malaixia đầu tư rất nhiều vào các trường ĐH và họ đưa dịch vụ giáo dục vào đất nước nhưng điều đáng tiếc là 80% học sinh của họ lại học ở các nước khác nên họ cũng rất khổ!

 

Do vậy, khi mà ra các chính sách thì VN phải hiểu mục đích của những chính sách này là gì? Chúng ta phải đảm bảm chất lượng trên cơ sở phải trả lời được câu hỏi: Chất lượng của ai ? Bởi vì chúng ta không thể  lấy chất lượng của nước mạnh áp đặt cho các nước yếu.

 

Khi chấp nhận cơ chế thị trường, Bộ GD-ĐT VN cũng cần phải trả lời các câu hỏi: 1. Các trường nước ngoài có chuẩn bị chất lượng giáo dục cho người dân Việt Nam hay nước Việt Nam hay không? 2. Liệu các trường nước ngoài khi phát triển giáo dục tại VN có quan tâm đến bối cảnh phát triển của quốc gia Việt Nam hay không? 3. Liệu các trường ĐH nước ngoài có làm cho giáo dục VN  phát triển hay nó sẽ làm giảm đi sự phát triển giáo dục của VN?

“May áo” hội nhập cho giáo dục Đại học - 3

3 “làn sóng” trong diễn biến thị trường ĐH - GS. Phạm Phụ, ĐH Quốc gia TPHCM

Việt Nam hiện nay đã có trên 20.000 sinh viên đang du học tự túc ở nước ngoài, chi phí ước tính khong dưới 200 triệu đô- la/ năm. Nhà nước cũng đã có chương trình học bổng từ Ngân sách quốc gia để du học với tổng kinh phí vào khoảng 1.000 tỷ trong 5 năm. Một chương trình có dạng đào tạo liên kết là một chi nhánh đại học ở nước ngoài cũng đã được thiết lập ở VN.

Tuy vậy, trong bối cảnh của toàn cầu hoá và dịch vụ GD ĐH đã bước sang thời kỳ bão hoà, phải chăng, hướng đi hợp lý hiện nay của GD ĐGVN là: Có một chiến lược hội nhập thích hợp, trong đó chỉ du học theo những chương trình đào tạo có chất lượng cao (làn sóng 1), mở rộng các chương trình đào tạo dạng liên kết (làn sóng 2) với các đối tác trung bình để có chi phí rẻ, tiết kiệm ngoại tệ, giảm thiểu việc mất chất xám và bước đầu lập những chi nhánh đại học ở nước ngoài (làn sóng 3) với nhữg đối tác có uy tín và được ưu tiên của Nhà nước để phục vụ cho những mục tiêu dài hạn hơn?

“May áo” hội nhập cho giáo dục Đại học - 4

Thay đổi thế nào để tồn tại? - TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, Bộ GD-ĐT

Giáo dục vốn là lĩnh vực bảo thủ, thường thay đổi chậm hơn các lĩnh vực khác. Nhưng phải thay đổi vì thay đổi là tất yếu, là cần thiết, là mệnh lệnh. Nhưng thay đổi thế nào? GD VN sau WTO sẽ có một đặc trưng mới là chấp nhận thị trường giáo dục. Bước chuyển này trong giáo dục cũng vất vả trong nhận thức và khó khăn trong hành động như bước chuyển biến cách đây 20 năm khi chấp nhận thị trường kinh tế.

Nếu đặc trưng của nền kinh tế thị trường nước ta là vận hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì thị trường giáo dục ĐHVN cũng sẽ là một thị trường đặc biệt, một thị trường gần đúng, gọi là chuẩn thị trường. Trong chuẩn thị trường này, hệ thống giáo dục ĐH sẽ có 3 thành phần đan xen nhau, cùng tồn tại. Đó là giáo dục với tư cách lợi ích công, giáo dục với tư cách dịch vụ công và giáo dục với tư cách hàng hoá.

Nhóm PV Giáo dục
(Thực hiện)