Mẹ nhặt ve chai, con đỗ thủ khoa đại học

(Dân trí) - Nhà ở tận cuối thôn, vậy mà hỏi thăm nhà Mai Văn Viên, thủ khoa Học viện Bưu chính viễn thông với 29 điểm thì bà con ai cũng biết và chỉ đường rất tận tình. Tin đỗ thủ khoa đại học của Viên làm xóm nghèo vui như Tết.

Ba đi bửa củi thuê, mẹ nhặt chai bao

 

Ông Lê Văn Chín, chủ tịch xã Bình Phục, huyện Thăng Bình tặc lưỡi kể chuyện nhà thủ khoa: “Thôn Ngọc Sơn thì nhà ai chẳng khó mà nhà thằng Viên thì khó nhất, nhì thôn. Ông Đôn, ba hắn, làm nông, rồi ai kêu thuê làm chi thì làm nấy, thường là đi bửa củi thuê. Mẹ thằng Viên mấy năm nay phải tha phương vô tận trong Sài Gòn nhặt chai bao, phế liệu, gom góp dăm chục vài đồng một năm đôi ba lần đem về phụ chồng nuôi ba đứa con ăn học. Nhà nớ nghèo thì nghèo mà chăm lo việc học của con lắm. Cực khổ mấy, vợ chồng ông Đôn cũng quyết chí không để đứa nào bỏ học giữa chừng”.

 

Tìm đến nhà Viên, chúng tôi càng chạnh lòng, căn nhà cấp 4, nhìn quanh cũng chẳng thấy gì đáng giá ngoài cái bàn học chất đầy sách vở của mấy anh em Viên. Ông Đôn, ba Viên đi làm từ sáng sớm vẫn chưa về dù đã gần giờ ngọ. Bác Mai hàng xóm thêm lời: “Từ bữa hay tin thằng Viên đỗ đại học rồi, ổng còn làm say hơn nữa”.

 

Mấy năm nay, ba mẹ đầu tắt mặt tối mưu sinh, anh cả Viên một tay ở nhà lo chuyện cơm nước, nội trợ, nhắc nhở em út học hành rồi được ba giao thêm nhiệm chăm hai con heo tăng gia sản xuất ở nhà. Viên nói mấy lần Viên xin theo phụ ba đi bổ củi thuê mà ba không cho, bảo em lo việc trong nhà cho ba mẹ yên tâm đi làm là được rồi, còn thì chú tâm vô mà học. Nhà mình càng nghèo con càng phải học.”

 

Thương ba mẹ, con đỗ thủ khoa

 

Năm thi vào lớp 10, Viên thiếu 1 điểm, không đỗ được vào trường THPT công lập. Lần ấy, ba báo tin cho mẹ mà buồn hiu dù ba không la mắng Viên một lời. Viên tự dặn lòng: “Nhà mình nghèo, ba mới phải làm lụng miệt mài bất kể sớm tối, mẹ mới phải tha phương kiếm sống, chắt chiu từng đồng, chỉ mong anh em Viên không bỏ bê việc học giữa chừng. Mình phải cố gắng hơn, không để ba mẹ buồn chuyện học hành của mình nữa”.

 

Vậy là ba năm cấp III, dù không đi học thêm một buổi, nhưng học xong ở trường, làm xong việc nhà là Viên vào bàn học, thức khuya dậy sớm, không dám ham chơi la cà. Mẹ đi làm xa, mỗi bận mẹ về, món quà mà anh em Viên trông đợi, quý báu nhất là những tập sách cũ mẹ chọn ra từ những gánh ve chai đem về cho con học. Những chồng sách cũ chất cao ngay ngắn cả sách giáo khoa và sách bài tập, tham khảo các môn thi đều nhàu nhĩ nhưng lại sạch sẽ tinh tươm. Cứ thêm quyển nào là Viên học và làm bài tập cho bằng hết quyển đó và làm đi làm lại.

 

Chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi đạt điểm cao, Viên cười hiền: “Thật ra em cũng không có bí quyết nào. Học ở trường, chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy cô ngay. Môn Toán, Lý, Hoá thì phải cố gắng giải nhiều bài tập. Vào phòng thi cần nhất là sự bình tĩnh, làm bài dễ trước, bài khó sau, và cẩn thận từng bước trong bài làm”.

 

Đỗ thủ khoa Học viện Bưu chính Viễn thông 29 điểm. Nhưng lúc đăng ký dự thi, sợ… trượt đại học, em đăng ký thi thêm trường Cao đẳng Giao thông Vận tải và đỗ cả Á khoa trường cao đẳng với 28,5 điểm.

 

Đỗ đại học, Viên tính vào đó em sẽ đi làm thêm để có tiền trang trải học phí chứ mỗi năm ba mẹ chỉ lo tiền trường, tiền ăn học cho các em ở nhà đã phải làm một bài toán quá khó.

 

Ánh mắt cậu học trò vừa đón nhận tin vui đỗ thủ khoa không giấu nỗi những âu lo: “Cứ nghĩ là trường học gần chỗ mẹ đang thuê trọ đi làm trong Sài Gòn nhưng giờ lại cách xa mấy chục cây số. Em tính vào đó ghé vai phụ mẹ gánh chai bao nhưng giờ thì… bể kế hoạch rồi. Sắp tới chắc phải tốn tiền trường, tiền trọ… nhiều lắm. Bây giờ chưa biết làm gì để có tiền đi học nhưng vào đó em sẽ cố gắng kiếm việc làm thêm ngay…” 

 

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: Thủ khoa ĐH, CĐ 2008