“Mẹ ơi, con đau…”

(Dân trí) - Một buổi sáng chớm đông năm ngoái, tôi được phân công thay một giáo viên chủ nhiệm nghỉ ốm đưa học sinh lớp 7 sang trạm y tế xã tiêm phòng mũi Sởi và Rubella. Giữa một đám nữ sinh nhõng nhẽo, mít ướt, hình ảnh đối lập giữa hai cô bé học trò làm tôi chú ý và nhận ra sự khác biệt thật lớn giữa hạnh phúc tròn đầy và thiếu hụt. Sự khác biệt giữa có mẹ và không còn mẹ…

Cô bé tên Tâm nghe gọi tên, giật mình, kéo tay mẹ vào phòng tiêm. Em ngồi xuống ghế với gương mặt phụng phịu, kéo tay áo lên và nép mặt vào vai mẹ. Mẹ em âu yếm quàng tay qua vai, vỗ nhè nhẹ và ghé vào tai thì thầm điều gì đó. Mũi tiêm vừa chạm vào da, em đã luôn miệng gọi: “Mẹ ơi, con đau…” và nhõng nhẽo mãi trong phòng theo dõi sau tiêm.

Đến lượt bé My vào tiêm. Em một mình bước vào phòng. Sáng nay ba em bận chạy xe chở hàng thuê từ sớm. Đưa tay cho cô y tá. Quay đầu nhìn ra hướng khác và nhắm tịt mắt. Em co rúm người lại chờ mũi tiêm. Hẳn là lúc ấy, tâm tưởng em cũng đang thốt lên: “Mẹ ơi” nhưng chẳng thể bật ra ở bờ môi. Mắt ngân ngấn nước, em bước vào phòng theo dõi sau tiêm.

Nhìn cô bé, tôi thấy nghèn nghẹn. Cùng là hai cô bé bằng tuổi nhưng Tâm và My thật khác nhau. Một cô bé đủ đầy trong vòng tay của mẹ cha. Một cô bé thiếu tình thương của mẹ từ lúc 10 tuổi. Một cô bé vô tư ăn học. Một cô bé sớm quen việc nhà phụ giúp bố. Tâm hồn nhiên và nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. My hiền từ và ánh mắt thỉnh thoảng buồn xa xăm. Tôi mừng cho Tâm và thấy thương My thật nhiều.

Tôi biết rõ hoàn cảnh của My qua một bài tập làm văn. Không thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc đó. Bất ngờ? Hụt hẫng? Ngỡ ngàng? Xót xa? … Có lẽ là tất cả. Với đề bài “Cảm nghĩ của em về một người thân yêu”, tôi trải qua bao cung bậc cảm xúc vui buồn cùng các em với bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em. Mỗi bài văn là một dòng cảm xúc trong trẻo. Và tôi đọc bài văn của My, trôi theo dòng cảm xúc của em về mẹ. Mẹ yêu My, mẹ chăm sóc lúc My ốm, mẹ dạy My học vào mỗi tối, mẹ trò chuyện tâm tình cùng My… Cách hành văn khá trôi chảy, cảm xúc chân thật, nét chữ tròn trịa, tôi dự định mình sẽ dành cho cô học trò chăm ngoan này một điểm tám.

Nhưng đến cuối bài văn, từng dòng chữ hiện ra làm tôi giật mình: “Tất cả chỉ còn trong một giấc mơ. Mẹ đã đi xa rồi, xa lắm. Con sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nữa ư? Con sẽ không được nghe tiếng nói, tiếng cười của mẹ? Con sẽ không còn được mẹ âu yếm ôm vào lòng? Con không còn được bàn tay ấm của mẹ đặt lên trán mỗi lúc ốm đau?… Con thèm tất cả những điều tưởng như giản đơn đó mẹ ơi! Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm! Ở trên thiên đường mẹ có khỏe không? Con luôn nhớ những điều mẹ dặn trước lúc đi xa. Mẹ ơi…”.

Tôi vội lật lại bài văn đó, đọc lại một lần nữa, cảm nhận niềm hạnh phúc của My khi có mẹ và cả nỗi đau tột cùng của em về dòng sông kỉ niệm đó. Tôi rưng rưng nước mắt khi đặt bút phê “Cô trân trọng những cảm xúc của em về mẹ…”.

“Mồ côi mẹ lót lá mà nằm…”. Hẳn là cô bé chưa đến nỗi như thế bởi em còn có một người cha tần tảo để tựa nương. Nhưng thiếu vắng bóng dáng một người mẹ, em đã mất đi quá nhiều thứ, thua thiệt quá nhiều điều.

Hạnh phúc đơn giản là có mẹ kề bên. Vậy mà có không ít con trẻ có được niềm hạnh phúc ấy lại không hề biết trân quí…

Trang Hiếu

(Giáo viên THCS ở Thừa Thiên-Huế)