Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam nêu 2 điểm thú vị của Dự thảo chương trình GD phổ thông

(Dân trí) - Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa đưa ra đã nhận được ý kiến phản hồi của nhiều chuyên gia. Dưới góc độ là phụ huynh, chị Phan Hồ Điệp (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội), mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã có nhiều chia sẻ tâm huyết.

Hai điểm thú vị

+ Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa ra mắt và thu hút được sự chú ý của dư luận. Chị có quan tâm tới vấn đề này không và quan tâm dưới góc độ nào?

- Ngay khi dự thảo vừa ra mắt, tôi đã tìm hiểu về Chương trình dưới hai góc độ: Là phụ huynh học sinh và là người đang làm trong ngành giáo dục. Nhưng có lẽ, tôi hơi nghiêng về góc độ phụ huynh hơn vì hàng ngày, tôi được tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh qua các kênh khác nhau. Tìm hiểu Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng là cách để tôi có thể cập nhật những hiểu biết của mình về giáo dục và thuận tiện hơn trong việc trao đổi với phụ huynh.

Nhà giáo Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Nhà giáo Phan Hồ Điệp, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam.

+ Vậy dưới góc độ phụ huynh, những điểm gì trong Chương trình giáo dục phổ thông mới khiến chị phải suy nghĩ?

- Điều khiến tôi quan tâm đầu tiên là cách tiếp cận của chương trình: Theo hướng năng lực. Hầu hết những chương trình giáo dục trước đây đều tiếp cận theo hướng nội dung. Tức là tập trung vào mục tiêu: Chúng ta muốn học sinh biết cái gì? Còn tiếp cận theo hướng năng lực nghĩa là tập trung phát triển năng lực và phẩm chất của người học để trả lởi cho câu hỏi: Học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào?

Hiện nay, hầu như mỗi ngày chúng ta đều nhận thấy những lời kêu ca từ phía phụ huynh: Con tôi phải học nhiều quá. Chương trình học nặng nề quá. Kiến thức học xa rời thực tiễn quá.

Nếu thực sự chương trình thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực thì có thể những băn khoăn, trăn trở trên của phụ huynh sẽ được giải quyết vì khi đó, chương trình sẽ quan tâm đến việc giúp học sinh vận dụng những điều đã học vào cuộc sống, giải quyết các tình huống trong cuộc sống dựa trên hứng thú, niềm tin và đạo đức.

Điểm mới thứ hai mà tôi thấy thú vị là trong Chương trình có nội dung Trải nghiệm sáng tạo. Nội dung này được đưa vào dưới hai hình thức: Là một môn học riêng biệt và được lồng ghép trong các môn học khác.

Đặt niềm tin vào “Trải nghiệm sáng tạo”

+ Vậy với chị, quan niệm thế nào là phương pháp học kết hợp với trải nghiệm và sáng tạo?

- Trong những lần đi nói chuyện cùng cha mẹ, điều tôi luôn gửi gắm đến các phụ huynh là: Hãy cho con cơ hội được trải nghiệm. Đừng bó buộc môi trường học tập của con. Đừng nghĩ rằng, học có nghĩa là ngồi vào bàn và ghi chép. Học không chỉ để “chiến đấu” qua các kì thi. Học còn có thể được diễn ra ở ngoài thiên nhiên. Học còn có thể xuất phát từ những cuộc tranh luận. Học còn có thể từ các hoạt động trong đời sống…

Học kết hợp với trải nghiệm sáng tạo, không đòi hỏi học sinh phải “ngoan”, “hiền” như suy nghĩ truyền thống của chúng ta. Các em được “trao quyền”, được tự quyết định.

Tôi đã nghe một phụ huynh kể, chị biết một bạn học lớp 10 rất giỏi, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi. Nhưng khi mẹ bạn ấy nhờ cắt củ su hào thì bạn ấy hỏi: Mẹ ơi, cắt thế nào, mỗi chiều mấy centimet?

Cũng một bạn rất giỏi khác mà tôi biết, bạn đi du học năm lớp 11 tại Singgapore. Nhưng tháng nào mẹ bạn ấy cũng mua vé sang để… giặt quần lót cho con. Lý do là các quần áo ngoài thì có người giặt nhưng quần lót thì họ yêu cầu tự giặt. Vì thế bạn ấy cứ để vậy và… chờ mẹ. Mẹ bạn ấy kể chuyện xong rồi nói: “May mà bay từ Sài Gòn sang Sing cũng tiện”!

Tôi thực sự rất buồn trước những hiện trạng trên. Tất nhiên, lỗi trước hết thuộc về gia đình. Nhưng giá như trong chương trình học có nhiều hơn thời gian dành cho những hoạt động ngoại khóa kiểu như dạy nấu ăn, dạy xử lí các tình huống, dạy cách sống độc lập, một cách thực sự, chứ không chỉ đánh giá qua kiến thức… sẽ hỗ trợ cho các bậc cha mẹ rất nhiều.

Vì thế, tôi đặt niềm tin vào “Trải nghiệm sáng tạo” lần này. Và tôi mong tinh thần “trải nghiệm” ấy không chỉ diễn ra cục bộ ở một môn học mà trải rộng khắp trong “hơi thở” của từng nội dung chương trình môn học.

Cũng cùng tinh thần ấy, nếu hỏi tôi thích môn học nào nhất trong Chương trình lần này, tôi xin chọn môn Cuộc sống quanh ta ở lớp 1, 2, 3.

Tôi hy vọng đây sẽ là môn học giúp học sinh tiểu học bước đầu khám phá về cuộc sống xung quanh với mắt nhìn trẻ thơ, đúng với tên gọi của nó.

Nhiều trường quốc tế đề cao việc giảng dạy hướng ngoại để giúp học sinh trải nghiệm, sáng tạo (ảnh: minh họa)
Nhiều trường quốc tế đề cao việc giảng dạy hướng ngoại để giúp học sinh trải nghiệm, sáng tạo (ảnh: minh họa)

+ Trong Dự thảo chương trình, Ngoại ngữ được coi là môn học “bắt buộc”. Chị được xem là một trong những phụ huynh thành công trong việc phát triển khả năng ngoại ngữ cho con. Vậy chị có nhận xét gì về điều này?

- Tôi hoàn toàn nhất trí với việc Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc. Khi ấy, các em ở những nơi không có điều kiện có thể được tiếp cận với ngoại ngữ một cách chính thống, được đánh giá theo khung đánh giá tiêu chuẩn. Và như thế các em có nhiều cơ hội để thành công hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, dù đưa vào chương trình thế nào cũng chỉ là những kiến thức cơ bản. Muốn các em “chiếm lĩnh” ngoại ngữ cần dạy các em khả năng tự học.

Bên cạnh đó, đừng quá “thần thánh hóa” việc giỏi ngoại ngữ. Hãy coi đó là phương tiện để các em có thêm “chìa khóa” bước vào cánh cửa tương lai. Bên cạnh học ngoại ngữ, các bậc cha mẹ cũng nên chú trọng đến việc cho con học các kĩ năng khác, phát triển hài hòa thể chất và tinh thần, nâng cao năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ trong thực tiễn đời sống…

Chưa đề cập đến “trẻ có nhu cầu đặc biệt”

+ Vậy những điểm nào của Dự thảo chương trình lần này khiến chị cảm thấy chưa hài lòng?

- Đánh giá một Chương trình là công việc đòi hỏi phải có sự thận trọng, nghiên cứu kĩ lưỡng và góc nhìn đa chiều. Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi chỉ có một số góp ý nhỏ hay nói chính xác hơn là mong muốn như sau:

Thứ nhất, trong Chương trình đã nhắc đến đối tượng trẻ “đặc biệt” hiểu theo nghĩa là trẻ có năng lực vượt trội nhưng chưa thấy đề cập đến đối tượng “trẻ có nhu cầu đặc biệt”. Hiện nay, như tôi được biết, số lượng các trẻ đó học trong trường hòa nhập khá lớn. Nên lưu ý đến điều này để việc “dạy học phân hóa” thực chất và có chiều sâu.

Thứ hai: Chương trình nên có những diễn giải cụ thể hơn về cách đánh giá. Vì đây là vấn đề các bậc cha mẹ quan tâm trước một nền học vấn hiện đang nặng về điểm số, thi cử.

Dẫu sao đi nữa, Dự thảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cũng mới chỉ là “bộ khung” của chương trình Giáo dục phổ thông. Vì thế, chắc sẽ còn nhiều những điều chỉnh.

Như hàng triệu phụ huynh khác, tôi đang chờ đợi những bước đi mới của giáo dục, trong phập phồng hy vọng…

+ Xin cảm ơn chị rất nhiều!

Mỹ Hà (thực hiện)