Mẹ và tấm bằng cử nhân của tôi

Mẹ tôi ít học, có lẽ vì thế nên bà có vẻ hơi quá sùng bái chữ nghĩa và học vị. Trong suốt hơn bốn mươi năm chúng tôi sống trong sự chăm sóc của mẹ, bà hi sinh rất nhiều thứ chỉ để nhắc nhở chúng tôi cố gắng học và học.

Điều làm bà buồn nhất là khi các con không chịu học hành cho tử tế!

Sau ngày giải phóng, giấc mơ cho các con ăn học thành tài của mẹ tôi dường như sụp đổ khi nhiều người nói rằng với lý lịch gia đình có bố là một thượng sĩ nhất trong chế độ cũ, chúng tôi đừng mơ đến việc bước vào trường đại học. Anh tôi, tấm gương mà mẹ muốn mấy đứa chúng tôi noi theo, đang học dở dang năm thứ hai bỏ ngang đi làm. Còn tôi, sau khi thi rớt đại học, cũng đang làm việc như một "cu li".

Dù trong chế độ mới, người ta không coi rẻ người lao động chân tay, nhưng tôi vẫn nhìn thấy ánh mắt đầy thất vọng của mẹ mỗi khi tôi đi làm về trong bộ đồ công nhân đầy bụi bặm, dầu mỡ. Ngay cả khi tôi đem về biếu mẹ tháng lương đầu tiên, mẹ hờ hững cầm rồi đưa lại cho tôi, thở dài: "Thôi, con cứ cầm lấy mà tiêu, mẹ chưa cần đâu!". Tôi chạnh lòng, hiểu rằng cho dù số tiền tôi mang về có nhiều đến đâu chăng nữa mẹ cũng sẽ không vui. Mẹ vẫn cứ mơ ngày các con trở thành ông nghè, ông cử, đội mũ đi hia, vinh qui bái tổ, như có đôi lần mẹ thổ lộ.

Năm đầu tiên tôi thi đại học là một ngày trọng đại của mẹ. Mẹ dậy thật sớm, lo cho tôi phần ăn sáng thật "linh đình". Mẹ dúi vào túi tôi một số tiền kha khá, dặn nếu ngại về nhà thì cứ ghé đâu đó "ăn trưa cho đàng hoàng". Hôm đó, vui bạn bè và tiền dằn nặng túi, tôi ăn trưa ở tiệm ăn sang trọng với dáng vẻ của một cậu công tử bột... rồi sau đó rớt cái ạch!

Năm sau, do thời thế và hoàn cảnh, ngày đi thi đại học của tôi không còn được chăm chút nhiều như năm trước, nhưng ánh mắt mẹ tôi vẫn đầy lo lắng, mong mỏi. Và tôi lại rớt!

Sau hai lần thi hỏng, tôi trở thành thợ sơn trong một xưởng sửa chữa tàu biển và tạm yên phận khi xung quanh cũng có nhiều người "bất đắc chí’ như mình. Đến kỳ thi đại học lần thứ ba, tôi xin phép ông quản đốc cho nghỉ làm vài hôm để đi thi. Ông mỉm cười khích lệ: "Ừ, ráng đi con!".

Tôi lặng lẽ đi thi, không nói với ai trong nhà, đâu biết rằng sau hôm đó tôi bị đưa vào danh sách... cho nghỉ luôn vì công việc đã gần xong. Tôi làm bài cũng như năm trước, có phần tệ hơn vì chỉ nghĩ trong đầu là thi cho vui.

Thế mà lần đó, lúc đang thất nghiệp, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường cao đẳng Sư phạm TPHCM (nơi tôi ghi nguyện vọng 2), khoa ngoại ngữ. Tôi cảm thấy băn khoăn nhiều hơn là mừng rỡ, vì tin vui đến vào lúc gần như không còn mong đợi. Tôi đem tờ giấy báo khoe với mẹ. Bà nói: "Con chuẩn bị đi học nghe không, có thiếu thốn gì để mẹ lo!".

Rồi tôi ra trường, đi dạy, nhưng vẫn áy náy vì giấc mộng "ông nghè ông cử" của mẹ tôi có vẻ như vẫn chưa trọn vẹn. Mặc dù đôi lúc mẹ vẫn âu yếm gọi tôi là "ông giáo" nhưng khi có người xầm xì: "Ôi, giáo làng ấy mà!" tôi vẫn thấy tự ái, nhất là đời sống giáo viên trong thập niên 1980 sao mà ảm đạm, thu nhập còn thua cả công nhân. Tôi biết mẹ thỉnh thoảng vẫn thở dài mỗi khi nghĩ đến đường học vấn của con cái, mỗi khi nghĩ đến giấc mơ thấy con mình là ông cử, mũ áo xênh xang, cười rạng rỡ bên mẹ.

Sau nhiều năm dật dờ đi dạy, tôi đăng ký theo học lớp chuyên tu đại học ở Trường ĐH Sư phạm, một phần để thỏa mãn tự ái, một phần vì mẹ.

Hai năm nữa trôi qua. Ngày được nhắn tin đến nhận bằng, chở theo trên xe một thùng hàng - công việc chính để sinh sống của tôi từ ngày làm thầy giáo - tôi ghé văn phòng khoa một buổi trưa thanh vắng. Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay tôi hơi bâng khuâng. Nó đây sao? Cái mà mình theo đuổi suốt bao nhiêu năm, cái mà mẹ vẫn thèm muốn trong vô vọng đây sao? Sao nó nhẹ tênh và đơn sơ thế này? Chẳng lễ lộc, chẳng mũ áo và cũng chẳng có ai bên cạnh để chia sẻ niềm vui. Mẹ tôi đã mất năm ngoái sau một cơn bạo bệnh, lúc tôi vẫn chưa hoàn thành được ước mơ của bà.

Tôi đem tấm bằng cử nhân về, bọc trong khung, đặt nó lên bàn thờ.  

Theo Ninh Bình
Tuổi Trẻ