Sau sự cố sụp cầu Cần Thơ:

Mịt mờ sự học của những đứa trẻ mất cha

(Dân trí) - Nghèo đến mức nhà lá nền đất, nghèo đến mức phải đi làm mướn vì không có cả ruộng, nghèo đến mức cha mẹ làm quần quật mà con vẫn không thể học cao… Nay những người cha đã ra đi, miếng cơm manh áo của đàn con này chưa có gì đảm bảo, nói gì đến sự học?

Anh Nguyễn Văn Sớt ra đi, để lại 4 người con. Cô chị đầu Nguyễn Thanh Loan 19 tuổi, kế là Nguyễn Tuấn Kiệt 17 tuổi, Nguyễn Tân Phương 15 và Nguyễn Thanh Tiền mới vừa vào lớp 1.  

 

Mẹ bỏ gia đình đi đã mấy năm, nay cha (ông Nguyễn Văn Tâm) tử nạn, mới 15 tuổi đầu, Nguyễn Văn Sự đã bơ vơ giữa cuộc đời. Người thân duy nhất của em bây giờ là người chú Nguyễn Văn Thanh. Éo le thay, người chú này vốn bẩm sinh mắc bệnh lùn.

 

Còn với mẹ con bà Trần Thị Tuyết Nga, đã 2 ngày trôi qua sau sự cố cầu sụp mà tung tích của người chồng, người cha Nguyễn Văn Đùng vẫn bặt vô âm tín. Mỗi ngày 6 mẹ con vẫn dắt díu nhau ra bãi công trường đổ nát mong tìm được người thân. 

 

Ngày anh Sớt còn sống, Kiệt và Phương đã phải nghỉ học làm mướn đỡ đần cho gia đình. Khi ông Đùng còn kiếm được 50 ngàn tiền công nhật mỗi ngày, Hằng Nhi (19 tuổi), Hằng Ni (17 tuổi) và Hằng Mi (15 tuổi) vẫn phải bỏ học để kiếm một cái nghề nuôi thân. 

 

Vậy mà giờ đây, sau sự cố thảm khốc này, những đứa trẻ mất cha, những gia đình mất đi người trụ cột. Những căn nhà vốn dĩ nghèo nàn nay có nguy cơ sụp đổ. Bởi miếng ăn nay không phải dễ kiếm đối với người mẹ phải nuôi năm đứa con thơ, với đứa trẻ 15 và một ông chú như trẻ nít. Vậy việc học có còn cần không đối với những đứa trẻ này? 

 

Với những đồng tiền cứu trợ, những tấm lòng hảo tâm, có lẽ bây giờ cái ăn cũng không còn quá lo đối với những gia đình này trong một thời gian. Nhưng đó chỉ là sự giúp đỡ tức thời. Còn tương lai? Có lẽ chúng ta cần một giải pháp hỗ trợ dài hơi hơn cho những đứa trẻ này, những đứa trẻ mất cha. Việc này cần có sự chung tay hợp tác của nhiều cơ quan chức năng và tổ chức xã hội. 

 

Nhóm P.V