Mô hình trường học mới: Sự thay đổi tích cực và những góc khuất

(Dân trí) - Từ 1.447 trường tiểu học tham gia dự án nhưng sau đó các địa phương tự nguyện nhân rộng thêm gần 2.500 trường cho ta thấy tính vượt trội của mô hình trường học mới. Cảm nhận rõ rệt nhất đối với mô hình này đó là sự tin cũng như khả năng tự học học sinh…Giáo viên giờ đây là người định hướng, giúp đỡ học sinh khi cần thiết.

Bao nhiều năm qua, mỗi tiết giảng bài của giáo viên luôn gắn chặt với bảng viết còn học sinh thì thụ động lắng nghe và học thuộc. Hệ quả của việc “đẩy” học sinh ra khỏi trung tâm lớp học là tính nhút nhát, rụt rè của bao nhiêu thế hệ học trò. Hình ảnh học sinh, nhất là học sinh nông thôn, miền núi, thường sợ sệt, khép nép khi thấy khách lạ, thậm chí còn bỏ chạy đi nơi khác…không phải là câu chuyện hiếm gặp trong quá khứ.

Sự chuyển mình mãnh liệt từ một mô hình

Mô hình trường học mới (VNEN) được Bộ GD-ĐT triển khai thử nghiệm từ 6 tỉnh với 24 trường năm học 2011-2012. Khi đó sự ưu tiên thử nghiệm được thực hiện ở vùng khó là chủ yếu. Sau một năm triển khai, bất ngờ với sự tự tin, khả năng giao tiếp cũng như chứng kiến niềm vui của học sinh mỗi khi đến trường đã thôi thúc Bộ GD-ĐT quyết định mở rộng mô hình lên con số 1.447 trường.

Sự thay đổi tích cực của học sinh trong các trường triển khai mô hình VNEN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh cũng như lãnh đạo các địa phương. Sau những cuộc đi thăm quan và tìm hiểu, hàng loạt trường tiểu học đã quyết định tự nguyện nhân rộng mô hình mà không cần hỗ trợ. Điều đặc biệt, sự hưởng ứng về việc nhân rộng này không chỉ là các địa phương vùng khó mà ngay cả thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…cũng tham gia.

Học sinh tự tin, chủ động trong học tập...là những điều không thể phủ nhận đối với mô hình VNEN. Trong ảnh: Học sinh đang trao đổi cặp đối với nhau sau khi làm việc cá nhân.
Học sinh tự tin, chủ động trong học tập...là những điều không thể phủ nhận đối với mô hình VNEN. Trong ảnh: Học sinh đang trao đổi cặp đối với nhau sau khi làm việc cá nhân.

Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội từng chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Từ việc chỉ có một trường tiểu học triển khai thí điểm theo dự án của Bộ vào năm học 2012-2013 thì nay Hà Nội đã có hơn 100 trường tự nguyện tham gia. Bản thân tôi cũng đã từng “hoài nghi” mô hình này nhưng khi được dự giờ một tiết dạy ở trường thí điểm thì quan điểm đã phải thay đổi hoàn toàn. Hình ảnh các em học sinh lớp 2 tự tin đến giao tiếp, bắt chuyện, hỏi hạn cũng như thể hiện khả năng của bản thân làm tôi bất ngờ. Thật sự không thể tin được về sự thay đổi tích cực của học sinh khi thời điểm đó trường mới chỉ thực hiện chưa được một học kỳ. Sau tiết dự giờ đó tôi có đưa Giám đốc Sở GD-ĐT đến tham quan trực tiếp và sau khi đánh giá chúng tôi quyết định nhân rộng”

Ông Tiến cũng khẳng định, nhiều người hoài nghi là do chưa tìm hiểu hoặc đi thực tế để cảm nhận. Các bậc phụ huynh sẽ là người cảm nhận rõ nét nhất về con em mình, chúng ta hãy hỏi họ để biết điều đó.

Gần đây nhất, trong chuyến công tác ghé thăm Trường Tiểu học Vĩnh Phương 1 (TP Nha Trang) chúng tôi được nghe những lời tâm sự bác Nguyễn Vẽ, một người nông dân thuộc xã Vĩnh Phương có cháu theo học mô hình VNEN.

“Trước đây thì không thấy cộng đồng được tham gia vào hoạt động của nhà trường. Từ khi có mô hình VNEN thì tôi thấy điều này đã được thay đổi. Vừa qua tôi có được nhà trường mời dạy nghề trồng lúa cho học trò trường Vĩnh Phương 1 và rất tâm đắc với việc cộng đồng được tham gia vào quá trình giáo dục. Nếu không có hoạt động giáo dục này, học trò ở chính xã thuần nông không nhận ra được một điều làm ra hạt gạo cực như thế nào. Nhờ ra ruộng học chăm sóc lúa, các cháu nhận thức được giá trị của lao động” – Người nông dân Nguyễn Vẽ tâm sự.

Qua câu chuyện của bác Vẽ cho thấy, với VNEN cha mẹ học sinh và cộng đồng đã trở thành một trong những chủ thể của quá trình giáo dục. Lực lượng này không chỉ đóng góp các nguồn lực bảo đảm hoạt động giáo dục đạt chất lượng mà còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ con em học tập. Nhiều nơi có những cách huy động sự tham gia này đầy sáng tạo.

Và còn đó những trăn trở

Sự chủ động của học sinh trong học tập ở mô hình VNEN là điều ai cũng có thể cảm nhận được. Tuy nhiên sự chủ động đó có tốt hay không lại phụ thuộc khá lớn vào yếu tố người thầy – người định hướng học tập cho các em.

Nếu chúng ta có dịp đi khảo sát mô hình VNEN ở các trường tiểu học đang thực hiện trong cả nước có thể nhận thấy một hình hài na ná giống nhau. Sự sáng tạo của giáo viên trong việc thực hiện mô hình chưa thực sự rõ nét, thậm chí không ít giáo viên còn hiểu sai bản chất của mô hình khi gượng ép lồng ghép giữa cách học truyền thống với việc học nhóm.

Cô Trần Thị Thùy Dung – Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai), một đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt mô hình VNEN tâm sự: “Mô hình chỉ thực sự hiệu quả nếu chúng ta hiểu và vận dụng một cách sáng tạo. Mỗi địa phương có điều kiện khác nhau nên không thể dập khuôn máy móc đưa mô hình vào triển khai. Việc mô hình có hấp dẫn hay bước đi có đúng hay không thì phụ thuộc rất lớn vào tài “đạo diễn” của giáo viên. Nếu giáo viên đi học hỏi, tập huấn rồi về lại “diễn lại” y nguyên thì chắc chắn không thể tốt được”

Với vai trò là chuyên gia trường của dự án VNEN, thầy Đặng Tự Ân bày tỏ: Đối với VNEN thì trong giờ học, học sinh được làm việc theo nhóm và chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập bằng những việc làm cụ thể.

Thầy Đặng Tự Ân theo dõi một tiết học mô hình VNEN ở trường tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi, TPHCM)
Thầy Đặng Tự Ân theo dõi một tiết học mô hình VNEN ở trường tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi, TPHCM)

Mỗi học sinh sẽ làm việc cá nhân trước khi làm việc theo cặp và theo nhóm, giúp các em có thời gian tự nghiên cứu, tự khám phá kiến thức. Nếu có điều gì không hiểu các em có thể hỏi bạn ngồi cạnh hoặc nêu vấn đề trong nhóm để các thành viên khác cùng trao đổi. Trong các giờ học của VNEN luôn có hoạt động nhóm, ví dụ sau khi học sinh tự đọc một câu chuyện, trưởng nhóm sẽ dẫn dắt các bạn cùng trao đổi về câu chuyện đó, trả lời các câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn hoặc phiếu hướng dẫn học tập hoặc một em trong nhóm đưa ra kết quả một bài toán cả nhóm sẽ cùng trao đổi, nhận xét bổ sung về cách giải. Hình thức học tập này giúp học sinh tự tin, tập trung vào việc học và biết cách làm việc theo nhóm.

Nét mới của mô hình này là học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn tự học, giáo viên thay đổi phương pháp để học sinh tự học và được hoạt động; học sinh thông qua hoạt động để tự học và thông qua tự học để phát triển. Trong các giờ dạy, giáo viên sẽ theo sát các nhóm. Với nhóm đã giơ “mặt cười”, tức là đã tự hoàn thành bài học, cô giáo có thể kiểm tra học sinh còn yếu trong nhóm để đánh giá kết quả. Với nhóm giơ “mặt mếu” tức là cần sự hỗ trợ của giáo viên, cô sẽ dành thời gian nhiều hơn.

“Với cách thực hiện như vậy việc vẫn có những giáo viên phàn nàn mô hình khiến học sinh ngồi vẹo, rồi phải ngoái cố lên bảng…cho thấy hiểu và thực hiện chưa đúng. Trong VNEN thì việc dùng bảng để giảng bài là điều tối kỵ. Bên cạnh đó chúng ta cũng nên hiểu một điều, ở đây là học sinh tự học có hướng dẫn, nghĩa là giáo viên vẫn đóng một vài trò vô cùng quan trọng” – thầy Đặng Tự Ân nói.

Nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng khi thực hiện khi chưa thực sự hiểu về mô hình VNEN. Trong ảnh: Giáo viên tổ chức hoạt động cả lớp khi học sinh chưa làm việc cá nhân
Nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng khi thực hiện khi chưa thực sự hiểu về mô hình VNEN. Trong ảnh: Giáo viên tổ chức hoạt động cả lớp khi học sinh chưa làm việc cá nhân

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Cách dạy truyền thống đã đi cùng với đội ngũ giáo viên hàng chục năm nay nên để thay đổi thì cần phải có thời gian. Nhiều người đánh giá mô hình VNEN rất thành công nhưng cá nhân tôi đánh giá là chúng ta mới làm được những bước đầu. Để mô hình hiệu quả hơn thì cần sự thay đổi nhận thức của giáo viên, đặc biệt là các nhà quản lý. Nếu một giáo viên sáng tạo thực hiện nhưng người đứng đầu nhà trường không ủng hộ thì rất khó để đi đúng mô hình”

Cũng theo ông Định, nhận thấy người đứng đầu nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện cũng như triển khai mô hình VNEN hiệu quả, vừa qua Bộ GD-ĐT đã quyết định tổ chức tập huấn lần đầu tiên cho Hiệu trưởng các trường tiểu học tham gia thực hiện VNEN. Bước thay đổi này sẽ làm cho mô hình ngày càng tốt hơn để làm tiền đề thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Nguyễn Hùng