Mới học lớp 11 đã có gần chục sáng chế hữu ích

(Dân trí) - Khi học lớp 4, cậu học trò vùng sâu thuộc xã Huyền Hội (huyện Càng Long, Trà Vinh) bắt đầu tìm tòi, sáng chế đồ chơi rồi đến máy thu gom nông sản, lò đốt rác, máy giã tỏi… Năm nay lên lớp 11, em đã có gần chục sáng chế hữu ích.

Đam mê sáng tạo từ nhỏ

Em Nguyễn Nhật Minh, ngụ ấp Lưu Tư (xã Huyền Hội, huyện Càng Long, Trà Vinh) đam mê sáng tạo từ nhỏ. Mới học lớp 4, Minh đã tự sáng chế đồ chơi để khỏi phải ra chợ mua tốn tiền cha mẹ. Minh kể lại: “Lúc đó con thấy mấy chiếc xe chạy bằng pin rất thích nhưng không có tiền mua. Vì vậy con chỉ xin tiền mẹ một ít ra chợ mua môtơ rồi đem về lấy giấy, nhựa, gỗ để làm chiếc xe ô tô chạy như bao chiếc xe khác”.

Sau chiếc xe ô tô bằng dụng cụ tự chế, Minh tiếp tục làm ra nhiều đồ chơi khác bằng gỗ, nhôm theo sở thích của mình. Đến năm học lớp 8 (năm 2013), Minh chế ra chiếc máy gieo hạt ngô nhưng đón nhận thất bại đầu tiên vì khi dụng cụ gieo xôm lỗ xuống đất nhưng hạt khi đưa xuống lại rơi ra ngoài. 

Không nản chí, cũng ngay năm lớp 8, được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu Trường THCS Huyền Hội, Minh cải tiến từ máy gieo hạt ngô sang dụng cụ thu gom nông sản. Sau nhiều lần làm thí nghiệm, Minh đã làm được mô hình với kinh phí 1 triệu đồng gồm những thiết bị rẻ tiền như nhựa, tol… Khi đem sáng chế máy thu gom nông sản đi dự thi ở Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Trà Vinh năm 2013, em đã đoạt giải Khuyến khích.

Từ thành công ban đầu đã thôi thúc Minh sáng chế ra nhiều thiết bị hữu ích, gần gũi với cuộc sống. Năm học lớp 9, Minh cùng với người bạn tên Đỗ Phúc Nhĩ Khang (đang học lớp 8) tìm tòi nghiên cứu ra lò đốt rác thân thiện với môi trường.

2-b493d

Minh (bên trái) và Khang cùng sáng chế lò đốt rác thân thiện với môi trường.

Minh cho biết: “Năm đó con cùng với Nhĩ Khang thường xuyên uống nước, trò chuyện nên biết bạn cũng thích nghiên cứu, sáng chế nên con đưa ra ý tưởng làm lò đốt rác thân thiện với môi trường. Khi đó, Khang hưởng ứng nên hai đứa con tìm tòi, nghiên cứu trong thời gian dài và được sự giúp sức của thầy trong trường mà mô hình lò đốt rác thân thiện với môi trường được hoàn thành”. Mô hình này đem đi dự Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh và đoạt giải Nhất.

Mô hình lò đốt rác được Minh và Khang thiết kế gồm nhiều bộ phận, thiết bị hầu như tự chế. Trong đó hệ thống xử lý khí thải được chia làm 3 khoang trong đó có khoang chứa hóa chất để đảm bảo khí thải sau khi đốt không gây ô nhiễm môi trường. Minh cho biết: “Đây là sáng chế con rất tâm đắc và dự định làm một lò nhỏ để dùng trong gia đình. Tiền đầu tư khoảng 2 triệu đồng nhưng có thể đốt rác khô, sấy rác ướt sau đó đốt nên rất tiện lợi”. Ngoài ra, Minh còn làm rất nhiều dụng cụ khác như: hệ thống xử lý khí thải, ống xả thải của xe cải tiến đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trong tỉnh.

Nói về sáng chế này, thầy Nguyễn Văn Nam, tổng phụ trách Trường THCS Huyền Hội (trực tiếp hướng dẫn 2 em làm lò đốt rác - PV), cho biết: "Tuy chỉ mới là mô hinh nhưng về mặt lý thuyết, cách thuyết trình và qua thử nghiệm rất ngon lành. Nếu lò đốt rác này được sản xuất, tiếp tục khắc phục những hạn chế, có sự giúp sức của các nhà chuyên môn thì sẽ ứng dụng được ra thực tiễn". Theo thầy Nam, em Minh là người đam mê sáng tạo từ nhỏ có nhiều sáng chế nếu được đào tạo, bồi dưỡng thì sẽ phát huy được năng lực của em và có nhiều sáng chế hữu ích hơn nữa.

1-c19a1
Minh dự định làm lò đốt rác để sử dụng trong gia đình.

Khi lên lớp 10, chia tay Trường THCS Huyền Hội, Minh cũng kịp tặng thầy cô trong trường dụng cụ dạy học là hộp hình chiếu dạy công nghệ lớp 8. Minh chia sẻ: “Năm học lớp 8 ở môn công nghệ, thầy chỉ nói miệng và kêu nhìn vào sách giáo khoa nên tụi con rất khó hình dung. Vì vậy con mới nghiên cứu làm thiết bị hộp hình chiếu dạy môn công nghệ  với 3 mặt là 3 tấm kính có giá chỉ 150 ngàn đồng. Bây giờ các em đi sau có thể dễ dàng nhìn thấy hình chiếu của một vật bất kỳ chứ không cần tưởng tượng như tụi con trước đây”.

Ước mơ học cơ khí để thỏa đam mê sáng chế

Hôm chúng tôi đến nhà, Minh đang miệt mài chỉnh sửa kính thiên văn khúc xạ cỡ lớn tự chế của mình bằng ống nhựa. Minh cho biết: “Con có cô ruột đang dạy học ở TP Hồ Chí Minh, qua người cô này con quen được một thầy giáo cũng là người đam mê thiên văn. Qua nhiều lần gọi điện thoại, thầy gửi xuống tặng con bộ ống nhòm của kính thiên văn. Đem thiết bị về, con mua mấy ống nhựa loại lớn đến làm kính thiên văn hoàn chỉnh để có thể nghiên cứu trăng, sao trên trời”.

3-892a8
Nhật Minh bên kính thiên văn tự chế.
4-4afc5
Đam mê sáng chế của Minh được gia đình rất ủng hộ.

Việc nghiên cứu, sáng chế của minh được thầy cô, gia đình rất ủng hộ. Bà Phạm Thị Tuyết Nga, mẹ Minh cho biết: “Từ nhỏ thấy con đam mê sáng chế nên gia đình rất ủng hộ, khuyến khích con. Mới đây cháu mới mày mò làm kính thiên văn rồi buổi chiều tối đem ra trước nhà để nhìn ngắm rồi chỉnh sửa. Hôm rồi nhờ nhìn qua kính thiên văn của con mà tôi biết trên cung trăng chỉ toàn sỏi đá chứ không phải có Hằng Nga, chú Cuội như chuyện kể lúc nhỏ tôi được nghe”.

5-e7c2d
Tập hợp các bạn cùng sở thích để thành lập Câu lạc bộ Thiên văn và Khoa học nghiệp dư.

Minh chuẩn bị bước vào năm học lớp 11, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Càng Long, Trà Vinh) và đang dự định thành lập Câu lạc bộ Thiên văn và Khoa học nghiệp dư gồm những học sinh có chung niềm đam mê.

6-dffcd
Những giấy khen, bằng khen Minh nhận được từ những sáng chế của mình.

Nói về ước mơ, Minh cho biết sau này sẽ cố gắng học thật giỏi để thi vào khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh hoặc Học viện Kỹ thuật Quân sự để thỏa ước mơ sáng chế của mình.

Hoàng Trung

(Email: hoangtrung@dantri.com.vn)