Môn Giáo dục công dân có làm khó học sinh, giáo viên?

(Dân trí) - Mặc dù đây là lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào là một trong những môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, nhưng trái với sự lo lắng ban đầu, đến nay, nhiều giáo viên và học sinh lại tỏ ra hào hứng với môn thi này.


Học sinh rất hứng thú, tự tin, không hề nặng nề và áp lực thi cử đối với môn Giáo dục công dân

Học sinh rất hứng thú, tự tin, không hề nặng nề và áp lực thi cử đối với môn Giáo dục công dân

Môn thi lồng ghép thực tế

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các thí sinh sẽ phải dự thi 3 môn bắt buộc (Ngoại ngữ, Văn, Toán) và 1 môn trong 2 môn tự chọn là khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Giáo dục công dân, sử , địa) để xét tốt nghiệp.

Đáng chú ý, môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia. Điểm môn thi này sẽ dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Ngay khi quy chế này được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến, tranh luận khác nhau. Trong đó, khá nhiều người tỏ ra thận trọng trước môn thi “mới tinh” lần đầu tiên xuất hiện trong kỳ thi quan trọng nhất đối với học sinh THPT.

Tuy nhiên trái với phản ứng lo lắng ban đầu, sau khi bước vào bài thi tổ hợp xã hội, đợt thi thử THPT quốc gia 2017 của học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đa số các em đều tỏ ra thích thú vì đề thi Giáo dục công dân vừa sức, gần gũi, sát với thực tế, không cần học thuộc quá nhiều.

Em Nguyễn Đức Thịnh, học sinh lớp 12 trường THPT Thường Tín (Hà Nội) phân tích, đề thi thử và đề thi mẫu do Bộ GD&ĐT công bố đều tập trung chủ yếu vào phần kiến thức pháp luật như quyền bảo hộ về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của công dân. Bên cạnh đó, đề còn có nhiều câu hỏi tình huống có liên quan đến xã hội rất gần gũi với thực tế cuộc sống.

"Việc thi thêm môn Giáo dục công dân cũng không khiến học sinh cảm thấy quá áp lực, vì kiến thức sách vở rất ngắn gọn, cùng kiến thức vận dụng từ đời sống khá dễ dàng” - Trần Thảo Nhi - học sinh Trường THPT Lô-mô-nô-xốp (Nam Từ Liêm - Hà Nội) hào hứng chia sẻ.

Gắn bó với môn Giáo dục công dân, cô giáo Lê Thị Thu Hương, Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) đánh giá, việc đưa Giáo dục công dân trở thành một môn thi nhằm giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn thực tiễn cuộc sống, có cách ứng xử linh hoạt. Đồng thời, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Gấp rút ôn tập, tránh “học tủ”

Tham gia giảng dạy tại một ngôi trường có nhiều học sinh dân tộc, cô giáo Cao Thị Thu Hà - Trường PT Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cho biết, mới đầu học sinh còn rất e dè khi đăng ký thi môn Giáo dục công dân. Nhưng bằng nhiều biện pháp để động viên, khích lệ, ổn định tâm lý cho học sinh, đến thời điểm này, số lượng học sinh đăng ký dự thi môn Giáo dục công dân tăng lên rõ rệt. Điều đó đồng nghĩa với việc hứng thú học tập của học sinh với môn học cũng đã tăng lên. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân tiếp tục cố gắng.

Cô Hà cho biết thêm, để giúp các em học sinh học tập và ôn luyện thật tốt, bộ môn Giáo dục công dân trường PT Vùng cao Việt Bắc đã làm đề ôn luyện cho học sinh khoa học, sát với đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT và phù hợp với khả năng của học sinh. Đồng thời, tập trung xây dựng giáo án giảng dạy và bộ đề ôn thi môn Giáo dục công dân, xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh quen với cách thi mới. Kết quả cho thấy học sinh rất hứng thú, tự tin, không hề nặng nề và áp lực thi cử.

Còn tại trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội), cô giáo Lê Thị Thu Hương chia sẻ, học sinh được cung cấp thông tin kịp thời, cụ thể. Các em học sinh lựa chọn tổ hợp thi dựa trên cơ sở định hướng nghề nghiệp của mình. Gần một nửa số học sinh khối 12 lựa chọn thi theo tổ hợp xã hội.

Theo cô Hương, các học sinh rất hứng thú với môn thi này vì nó gần gũi với thực tiễn cuộc sống của các em. Thậm chí không chỉ riêng học sinh thi tổ hợp XH quan tâm đến bộ môn mà ngay cả nhiều em học sinh thi tổ hợp tự nhiên cũng quan tâm đến môn học.

Lưu ý học sinh về cách học và thi môn Giáo dục công dân, cô giáo Hương cho rằng, học sinh nên ôn tập toàn bộ kiến thức đã học chứ không nên học tủ. Việc vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống thực tiễn sẽ giúp khắc sâu kiến thức và nâng cao hiểu biết của mình.

Việt An

Mọi tin, bài đóng góp trên mục giáo dục báo Dân trí, độc giả có thể gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!