Môn Giáo dục công dân: Nhiều giáo viên dạy qua loa, học sinh coi thường

(Dân trí) - Sáng 8/1 tại TP Huế, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế đã khai mạc Hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn GDCD ở trường trung học” với sự tham gia của 71 đơn vị trên toàn quốc.

Ngày 28/9/2016, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2017, môn Giáo dục công dân (GDCD) là môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Việc đưa môn học này vào kỳ thi THPT Quốc gia cho thấy sự quan tâm, coi trọng của ngành giáo dục và toàn xã hội đối với môn học “dạy người”.

Nhằm góp phần tập hợp, trao đổi và đánh giá những kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn dạy học GDCD ở trường trung học cũng như đề xuất định hướng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn GDCD, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế tổ chức Hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn GDCD ở trường trung học”.

Hội thảo có 191 báo cáo của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giáo viên GDCD, giảng viên đến từ 71 đơn vị, cơ quan nghiên cứu trong cả nước ở các chủ đề như “Xác định vai trò, vị trí, mục tiêu và nội dung chương trình môn GDCD trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, “Những vấn đề lý luận dạy học và đổi mới phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học theo định hướng phát triển năng lực”; “Các biện pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá môn GDCD ở trường trung học theo định hướng phát triển năng lực; cách thức ôn tập, thiết kế câu hỏi, đề thi trắc nghiệm khách quan môn GDCD”…

Hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn GDCD ở trường trung học”
Hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn GDCD ở trường trung học”
TS. Lê Anh Phương, tân Hiệu trưởng Đại học Sư phạm - Đại học Huế phát biểu chào mừng
TS. Lê Anh Phương, tân Hiệu trưởng Đại học Sư phạm - Đại học Huế phát biểu chào mừng

Qua ý kiến nhiều đại biểu ở hội thảo quốc gia cho thấy, môn GDCD ở trường trung học có vị trí hàng đầu trong định hướng phát triển nhân cách của học sinh thông qua cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về giá trị đạo đức – nhân văn, đường lối chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và pháp luật, kế thừa các truyền thống đạo đức, bản sắc dân tộc Việt Nam; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại và thời đại.

Dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp nâng cao vị thế, chất lượng dạy và học bộ môn này như cải tiến nội dung chương trình, sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bổ sung thêm tài liệu, trang thiết bị dạy học… tuy nhiên việc nhận thức hoặc đánh giá không đúng về môn GDCD vẫn còn là một tình trạng khá phổ biến ở nhiều trường trung học hiện nay. Nhiều giáo viên dạy qua loa, chiếu lệ còn học sinh thì coi thường môn học

Nhiều đại biểu là nhà khoa học, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên về môn Giáo dục công dân trên toàn quốc về tham dự
Nhiều đại biểu là nhà khoa học, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên về môn Giáo dục công dân trên toàn quốc về tham dự

Việc đổi mới phương pháp dạy học môn GDCD theo định hướng phát triển năng lực được nhiều tác giả tập trung phân tích. Việc hướng dẫn học sinh cách học, cách ôn tập hiệu quả được một số tác giả đặc biệt quan tâm và coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp giáo viên, học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017 và những năm tiếp theo.

Gian trưng bày lịch sử môn Giáo dục công dân ở trường học thu hút với nhiều tài liệu quý qua thời gian
Gian trưng bày lịch sử môn Giáo dục công dân ở trường học thu hút với nhiều tài liệu quý qua thời gian

Đại Dương