Môn Toán chính thức thi bằng phương pháp trắc nghiệm

(Dân trí) - Sau một tháng lấy ý kiến đóng góp ý kiến, chiều ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã chủ trì họp báo công bố phương án thi 2017. Theo đó, cơ bản phương án thi 2017 giống như dự thảo. Môn Toán được quyết định thi trắc nghiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sau khi công bố dự thảo phương án thi/tuyển sinh 2017, Bộ đã tổ chức họp thảo luận với đại diện các sở GD&ĐT, đại diện các trường ĐH, CĐ, trường THPT; họp với các chuyên gia các bộ môn thi, đồng thời tiếp nhận góp ý của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, các hội chuyên ngành và ý kiến rộng rãi của dư luận trực tiếp gửi về Bộ hay gián tiếp thông qua các kênh báo chí, truyền thông khác. Tổ công tác của Bộ đã tổng hợp các ý kiến, phân tích với tinh thần cầu thị, lắng nghe. Những ý kiến đóng góp hợp lý và khả thi - dù của chuyên gia hay học sinh, phụ huynh - đều được tiếp thu để hoàn thiện phương án cuối cùng trước khi công bố chính thức.


Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga chủ trì buổi công bố phương án thi 2017.

Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga chủ trì buổi công bố phương án thi 2017.

Rút thời gian thi 4 ngày thành 2 ngày

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chính thức công bố phương án thi 2017. Theo đó, phương án thi không mấy thay đổi so với dự thảo đã đưa ra trước đó. Cụ thể, kỳ thi 2017 sẽ có 5 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn giữa Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn giữa Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Thí sinh có thể chọn thi thêm Ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nếu có nguyện vọng.

Cách tính điểm xét tốt nghiệp

Kết hợp sử dụng kết quả đểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh GDTX) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có.

Phương thức tính điểm thi tốt nghiệp: Điểm bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm 12 có tỉ lệ 50:50.

Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang điểm 10) : 1;0 điểm; Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang điểm 10) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm.

Các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GD&ĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin.

Sở GD&ĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh. Các trường đại học, cao đẳng sử dụng cơ sở dữ liệu chung làm căn cứ để tuyển sinh.

Nhiều hình thức tuyển sinh ĐH

Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia

Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi , môn thi của kỳ thi THPOT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyểnkhác nhau. Trong đó giành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng kí nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển. Việc xét tuyển có thể thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kì tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi, đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Nêú sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, sao cho không có tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa, cách tính điểm xét tuyển và điểm thi đánh giá năng lực.

Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT

Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT. Thí sinh nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển theo quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố.

Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh

Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên, đồng thời công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.

Mỹ Hà