Môn văn lên mạng

Giáo viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Học viên lên mạng tìm tài liệu, hào hứng xây dựng bài soạn điện tử, làm thơ, viết nhật ký... Đó là chuyện dạy và học văn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4, TPHCM.

Từ không thành có

Giờ học môn văn đầu năm học 2005 - 2006, các học viên ngạc nhiên bởi thầy Hoàng Đức Huy không yêu cầu mở sách văn học, không đọc bài, tìm hiểu bài. Thay vào đó, thầy hướng dẫn “Phương pháp tạo một địa chỉ thư điện tử trên Yahoo”.

Máy móc không có đành dạy chay: “Các em ghi vào tập đi, bước 1: nhấp chuột vào chữ e (Internet Explore), bước 2: đánh vào khung address: www.yahoo.com, bước 3: nhấp chuột vào chữ “mail” bên tay phải...”.

Những lá thư điện tử đầu tiên thầy Huy nhận được từ học trò là “đã tạo mail”: “Em xin báo cho thầy biết là em đã tạo được mail cho mình”...

Tiết văn kế tiếp, học viên được khen “làm rất tốt” nhưng cũng bị phê bình: “Viết thư cho thầy không có phần mở đầu, kết thúc, câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ, chữ đầu dòng không viết hoa... Lần sau các em nhớ khắc phục, viết mail là một cách rèn luyện kỹ năng viết văn”.

Tiếp theo, lại những tiết dạy chay “Phương pháp tìm thông tin trên mạng bằng www.google.com.vn”, “Cách chọn tư liệu cần tìm và viết bài soạn điện tử”. Lại bước 1, bước 2, bước 3, bước 4... và... ra tiệm Internet thực hành.

“Khi tôi mua được máy vi tính xách tay, mỗi thao tác trên máy như thế nào, trên màn hình hiển thị hình ảnh ra sao tôi đều lưu vào máy và mang lên lớp mở ra cho học viên xem để các em dễ hình dung. Trong điều kiện khó khăn phải chịu mất thời gian và tốn nhiều công sức...” - giáo viên Hoàng Đức Huy cho biết.

“Quan trọng là học viên cảm thấy hứng thú”

Tại sao thầy lại có sáng kiến đưa “môn văn lên mạng” (theo cách gọi của thầy và trò ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4)? Trong điều kiện không được học vi tính ở trường, ra tiệm Internet làm sao học viên biết cách sử dụng máy tính?

Giảng viên Hoàng Đức Huy: Mới đầu tôi cũng lo như vậy. Nhưng khi vào việc rồi mới thấy mình đánh giá thấp học trò của mình quá. Khi được hỏi, 1/3 học viên của lớp cho biết đã có địa chỉ email cá nhân.

Thật ra cũng có em chưa từng biết đến vi tính thật. Tôi hướng dẫn các em khi ra tiệm Internet hãy làm việc theo “đôi bạn” - tức bạn biết nhiều hơn chỉ cho bạn biết ít hơn. Nếu gặp trục trặc, bí quá thì hỏi nhân viên phòng Internet.

Ngay cả bản thân tôi có lúc cũng phải hỏi mà. Việc đưa môn văn lên mạng tôi đã ấp ủ từ lâu nhưng mãi đến năm học 2005 - 2006, khi có quyết định bỏ thi tốt nghiệp THCS, tôi mới thực hiện. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mình được “cởi trói” - không bị bó buộc bởi áp lực thi cử nữa.

Học viên có làm thơ, viết nhật ký, làm bài soạn điện tử đầy đủ như hướng dẫn của thầy không, thưa thầy?

100% đều thực hiện và rất hào hứng thực hiện nữa là khác. Đơn giản vì tôi có cách riêng của tôi. Đây là những bài soạn điện tử của học trò (vừa nói ông vừa mở máy tính xách tay của mình và mở ra những bài soạn có đầy đủ hình ảnh, nội dung của các mục theo qui định).

Em nào làm tốt sẽ được thưởng tập và được biểu dương trước lớp, em nào làm chưa tốt thì rút kinh nghiệm cho bài sau.

Được biết, đã có rất nhiều học viên được thầy Huy thưởng tập, không chỉ làm bài soạn điện tử mà chỉ cần hăng hái phát biểu, chăm chỉ học hành cũng được thưởng tập?

Tôi nghĩ học viên chịu khó học môn của tôi không phải vì mấy cuốn tập. Thưởng tập chỉ là một cách khuyến khích các em cố gắng thôi. Điều quan trọng là học viên quí mình, thích môn của mình.

Muốn các em thích môn mình trước hết phải dạy làm sao để các em hiểu. Giảng bài mà học viên không hiểu các em sẽ không nghe. Học viên cảm thấy thích thú vì đã làm được và làm thành công những bài soạn điện tử.

Nhưng trong khi dư luận đang lên tiếng về tình trạng học hành quá nặng nề của học sinh, việc bắt các em ngoài giờ học phải ra tiệm Internet để tìm tài liệu, soạn bài... liệu có tạo thêm gánh nặng cho các em? Chưa kể với những học viên nghèo, tiền đâu để các em ra tiệm?

Phí Internet chỉ có 3.000 đồng/giờ. Một năm học mỗi học viên chỉ chọn một bài trong chương trình văn học, một bài trong chương trình tập làm văn để xây dựng bài soạn điện tử.

Chuyện viết nhật ký thì nhà trường đã xếp thêm một tiết (ngoài những tiết do Bộ GD-ĐT qui định) để giáo viên rèn kỹ năng viết, sửa câu chữ, ngữ pháp, ý tứ... cho học viên.

Xin nói thêm, chương trình viết nhật ký tuy đề tài tự do nhưng đều bám sát chương trình tập làm văn của Bộ GD-ĐT. Ví dụ như viết nhật ký có miêu tả nội tâm nhân vật, viết nhật ký có đàm thoại... Còn phân môn làm thơ tôi dạy theo đúng chương trình chính khóa của bộ, chỉ khác là các em gửi cho tôi qua mail.

Nếu có quá tải thì chính tôi đang phải chịu sự quá tải vì phải đọc hết, xem hết các bài soạn, bài viết của gần 300 học viên lớp 8 và lớp 9 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4 và Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến (cười).

Đó là chưa kể tôi phải in tất cả bài soạn của học viên để các em dán vào vở đem về nhà cho phụ huynh xem, coi như là minh chứng cho việc thầy - trò chúng tôi dạy và học đàng hoàng.

Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ