“Sự cố” thi trắc nghiệm Ngoại ngữ:

Một hình thức gian lận mới của thí sinh?

(Dân trí) - Ngay sau môn thi trắc nghiệm Ngoại ngữ kết thúc, rất nhiều thí sinh đã khóc thút thít vì em “không may” làm hết cả 80 câu, trong khi đề chỉ yêu cầu làm 70 câu. Trước tình huống này, Bộ GD-ĐT đã tuyên bố sẽ đảm bảo quyền lợi tới cùng cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi về sự nhầm lẫn này đã được đặt ra...

Đề thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm nay gồm 80 câu, trong đó có 60 câu là phần chung giữa thí sinh phân ban và không phân ban. 20 câu còn lại được chia ra thành phần tự chọn trong đó 10 câu cho phân ban, 10 câu cho không phân ban. Thế nhưng, đã có hàng trăm thí sinh “thừa thắng” làm cả 80 câu.

 

Việc có những thí sinh nhầm lẫn làm cả 80 câu trong đề thi trắc nghiệm đã làm cho Ban chỉ đạo tuyển sinh cảm thấy bối rối. Cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn An Ninh cho rằng các thí sinh làm hết cả 80 câu này là các đối tượng hoặc là rất xuất sắc, hoặc là có... “vấn đề”. Bởi, trong đề thi trắc nghiệm đã ghi rất rõ: Thí sinh có thể chọn từ câu 61 đến 70 hoặc từ câu 71 đến 80. Mục đích của việc lựa chọn này là dành cho các đối tượng thuộc diện phân ban và không phân ban.

 

Và quả nhiên, để tránh thiệt thòi cho những thí sinh đã “trót” này, Bộ GD-ĐT đưa ra hướng giải quyết là: đối với thí sinh làm quá yêu cầu sẽ vẫn được chấm tất cả 80 câu như bình thường và trong 10 câu từ 61 đến 70 hoặc từ 71 đến 80, phấn nào thí sinh làm được nhiều hơn thì sẽ được tính  điểm phần đó.

 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, ông Nguyễn An Ninh cho rằng đây có thể là một hình thức gian lận khôn ngoan của thí sinh. Với các thí sinh “ thật thà” họ sẽ chỉ làm có 70 câu theo đúng yêu cầu của đề, còn với những thí sinh “khôn ngoan”, họ sẽ “cố tình” không biết để làm cả 80 câu với hy vọng sẽ có lợi thế hơn. Trong đề thi đã ghi rõ ràng như vậy thì thiết nghĩ không có một thí sinh nào “vô tình” mà làm hết 80 câu. Nếu trong kỳ thi năm sau, thí sinh vẫn “vô tình” như vậy thì thí sinh đã phạm quy.

 

Việc giải quyết khâu chấm cho những đối tượng thí sinh làm hết cả 80 câu không khó, nhưng nó sẽ mất thêm thời gian để chia phần mềm của máy chấm thi trắc nghiệm thành hai giai đoạn, do đó sẽ làm cho người chấm thi tốn công sức hơn.

 

Như vậy theo mặt bằng chung đề thi năm khá hoàn chỉnh, phân loại được thí sinh và được bảo mật đến phút chót. Tuy nhiên, riêng đề thi trắc nghiệm có lẽ Bộ nên lưu ý để tránh cho thí sinh nghĩ ra được những hình thức “lách” như đã nêu ở trên, vừa làm mất thêm thời gian không cần thiết cho những người tổ chức thi, vừa tránh sự mất công bằng giữa các thí sinh. 

Trần Huy