Một hồ sơ nhưng vẫn nhiều cơ hội đỗ

(Dân trí) - Trong kỳ thi tuyến sinh ĐH năm 2007, chỉ có 6 trường ĐH trong cả nước có thực hiện việc xét trúng tuyển cho thí sinh vào trường mình theo cơ chế “mềm” là, đủ điểm ngành nào sẽ được vào học ngành đó, chứ không nhất thiết phải đủ điểm vào ngành đã đăng ký trong hồ sơ dự thi thì mới trúng tuyển.

Như vậy, thí sinh khi đã dự thi vào 1 trong 6 trường ĐH này sẽ có các cơ hội trúng tuyển tỷ lệ thuận với số ngành của trường ĐH đó. Nhà trường sẽ tự động chuyển thí sinh xuống ngành mà thí sinh có điểm chuẩn đạt yêu cầu. (Đối với gần 90 trường ĐH còn lại, thí sinh nếu muốn trúng tuyển như vậy thì phải làm hồ sơ xét tuyển NV2, 3). 

6 trường ĐH đó là: 

1. Học viện Tài chính. Với 15 chuyên ngành, thí sinh đủ điểm sàn vào Học viện nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký thì được đăng ký vào ngành còn chỉ tiêu. Học viện sẽ hướng dẫn đăng ký xét tuyển vào ngành khác cùng giáy báo kết quả thi cho những thí sinh thuộc diện này. 

15 chuyên ngành gồm Ngành Tài chính Ngân hàng với 9 chuyên ngành: Quản lý tài chính Nhà nước, thuế, bảo hiểm, kiểm tra giám sát hải quan, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản, Ngân hàng, Kinh doanh chứng khoán. 

Ngành Kế toán gồm 2 chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp và Kiểm toán. 

Ngành Quản trị kinh doanh gồm 2 chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp, Marketinh. 

Ngành Hệ thống thông tin kinh tế chuyên ngành Tin học Tài chính kế toán 

Ngành Tiếng Anh (chuyên ngành Tiếng Anh tài chính - Kế toán) 

2. ĐH Bách khoa Hà Nội: Với mức điểm chuẩn của năm 2006, điểm chuẩn giữa các ngành chênh nhau đến 4, 5 điểm, đã có rất nhiều thí sinh thi vào ĐH Bách khoa HN đỗ được nhờ được chuyển ngành.

ĐH Bách Khoa cũng là một trong những trường ĐH có nhiều ngành học nhất và cũng là một trong những trường được phân nhiều chỉ tiêu nhất trong số các trường ĐH trong cả nước với hơn 50 ngành học và 3870 chỉ tiêu. 

3. Trường ĐH Hàng Hải: Trường ĐH Hàng Hải căn cứ vào chỉ tiêu từng ngành, kết quả thi tuyển  và nguyện vọng đã đăng ký dự thi của thí sinh để xếp ngành học cụ thể. Nếu thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi thì được chuyển sang ngành khác cùng nhóm còn chỉ tiêu và có điểm xét tuyển thấp hơn. 

ĐH Hàng Hải đào tạo 3 nhóm ngành là Hàng hải, Kỹ thuật- công nghệ và Kinh tế- Quản trị Kinh doanh với 19 chuyên ngành. 

4. ĐH Kinh tế quốc dân: Có 8 nhóm ngành gồm Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng Tài chính, Kế toán, Hệ thống thông tin kinh tế, Luật học, Khoa học máy tính và Tiếng Anh. Trong 8 nhóm ngành đó có bao gồm tất cả 42 chuyên ngành. ĐH Kinh tế quốc dân đươc phân tới 4000 chỉ tiêu trong kỳ thi tuyển sinh năm 2007. 

Điểm chuẩn giữa các chuyên ngành cũng chênh lệch khá cao với mức từ 5 đến 0,5 điểm.

Nếu thí sinh đủ điểm sàn vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm tuyển vào ngành đã đăng ký ban đầu thì được đăng ký vào chuyên ngành cùng khối còn chỉ tiêu sau khi nhập trường. 

5.ĐH Ngoại thương: Điểm trúng tuyển được xác định theo từng mã ngành đăng ký dự thi, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi. ĐH Ngoại thương cũng thực hiện việc chuyển ngành cho thí sinh nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào chuyên ngành mà mình đã đăng ký. 

ĐH Ngoại thương có 6 nhóm ngành với 2 khối thi Khối A và khối D1, 2, 3, 4. 

6. Trường ĐH Nông lâm TPHCM: Có tới gần 100 ngành học và mức điểm chuẩn vào trường cũng khá “mềm” khi trong kỳ thi tuyển sinh năm 2006 có nhiều ngành chỉ cần đạt mức sàn của Bộ GD- ĐT là thí sinh cũng trúng tuyển. 

ĐH Nông Lâm tổ chức thi theo 3 khối A, B và D1. 

M.M