Một kỳ thi quốc gia: Phải làm mọi cách để có kỳ thi nghiêm túc

Theo GS. Nguyễn Đăng Hưng, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia, nếu có thách thức thì trước hết là ý chí, quyết tâm, yếu tố thời gian chỉ là việc phụ, đồng thời phải làm mọi cách để kỳ thi quốc gia là kỳ thi nghiêm túc.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục của vương quốc Bỉ, được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay, GS. Nguyễn Đăng Hưng đã có những chia sẻ cá nhân về việc chuẩn bị kỳ thi quốc gia của Việt Nam.

Phương án tổ chức một kì thi quốc gia để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến đóng góp. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Theo tôi lẽ ra việc này phải thực hiện từ lâu. Cá nhân tôi đã nhiều lần đề đạt trong các bài viết về giáo dục, và do đó, tôi rất hoan nghênh.

Việc tổ chức hai kỳ thi như trước đây (thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ) là điều không giống ai! Hai kỳ thi toàn quốc với biết bao tốn kém ngân sách quốc gia, biết bao công việc cho cán bộ giảng dạy, biết bao lo toan cho các em học sinh trước ngưỡng cửa đại học. Quyết sách mới cho phép nền giáo dục Việt Nam trở lại bình thường.
 
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng)
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. (Ảnh: VGP/Mạnh Hùng)

Theo giáo sư, những khó khăn, thách thức nào có thể gặp phải khi tổ chức một kì thi quốc gia ngay trong năm 2015?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Nếu có thách thức thì trước hết là cho ý chí, quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước. Yếu tố thời gian chỉ là việc phụ. Tại sao chúng ta phải chờ thêm mà không làm ngay trong năm 2015? Tại sao có thêm khó khăn khi trên thực tế công việc giảm đi một nửa?

Vấn đề là phải dứt khoát làm mọi cách để kỳ thi quốc gia duy nhất là kỳ thi nghiêm túc. Phải hội tụ mọi yếu tố cần thiết để kỳ thi này đánh giá chính xác trình độ của học sinh, đủ năng lực để bước vào bậc ĐH, CĐ. Còn việc tuyển chọn là việc của các trường thể theo nguyện vọng và trình độ của những học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Thi cử nghiêm túc có nghĩa là tất cả các hành vi, thói quen không chính đáng phải được ngăn chặn và loại bỏ, các hội đồng chấm thi phải được tổ chức một cách chặt chẽ, thể thức thi cử phải rất nghiêm khắc chứ không phải là cảnh các tỉnh thi đua thành tích và tỷ lệ đỗ cao đến trên 90%!

Có ý kiến cho rằng một kì thi quốc gia khó phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh, ngoài ra có thể xảy ra chồng chéo giữa kỳ thi quốc gia với Đề án tuyển sinh riêng của các trường. Giáo sư nghĩ gì về ý kiến này?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Tôi nghĩ trong tương lai phải tổ chức thi tốt nghiệp trung học thành nhiều khối khác nhau cho phép các em học sinh nhiều chọn lựa cho tương lai, tùy theo năng khiếu và sở thích... Các khối phải đáp ứng yêu cầu của các trường đại học và phải mở rộng cho mọi đối tượng học sinh. Đây không phải là việc khó vì nhiều nước đã thực thi có hiệu quả sau nhiều năm điều chỉnh.

Với đề thi tổng hợp có nhiều môn và thời gian làm bài trong 180 phút liệu học sinh có làm kịp và có đảm bảo tính phổ thông cũng như phân hóa học sinh khá giỏi?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Theo tôi, đề thi tổng hợp hay riêng rẽ chỉ là hình thức, không quan trọng. Cái quan trọng là nội dung đề thi phải khớp với chương trình học. Đề thi phải có nhiều câu hỏi từ dễ đến khó, càng độc lập càng tốt để giám khảo có thể đánh giá thí sinh theo nhiều cấp bậc khác nhau. Đề thi nên đòi hỏi suy luận mà ít đòi hỏi thuộc lòng…

Theo giáo sư, vấn đề đổi mới giáo dục cần tiếp tục như thế nào sau khi thực hiện một kỳ thi quốc gia?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Hệ luận của một kỳ thi chung cho cả nước là cùng một lúc giao cho các trường đại học quyền tổ chức tuyển sinh hay tổ chức xét tuyển.

Hệ luận thứ hai là đầu vào ở các trường sẽ nới hơn so với quá khứ. Để bảo đảm chất lượng tốt nghiệp, các kỳ thi ở các trường đại học sẽ phải chặt chẽ và nghiêm khắc hơn so với trước đây. Rộng đầu vào và siết chặt đầu ra để đảm bảo chất lượng người tốt nghiệp đại học. Đây cũng là điểm yếu của nền đại học hiện hành tại Việt Nam mà ta nhân dịp này đồng hành cải tổ.

Bộ GD-ĐT cần hỗ trợ các trường về việc này nhất là có cơ chế theo dõi kiểm tra để thúc đẩy tính nghiêm túc trong thi cử. Một lần nữa nhân sự kiểm tra là mấu chốt. Bộ GD-ĐT cần dùng các cá nhân giáo chức độc lập, các ban kiểm tra gồm các nhà giáo có uy tín.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Theo Mạnh Hùng
Báo điện tử Chính phủ