Một số ý kiến nhân đọc bài “Lương GS Việt Nam thấp nhất thế giới”

Bài báo dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý nói về tình trạng các GS, PGS của Việt Nam hiện nay, tập trung vào 2 chủ đề chính có liên quan hữu cơ với nhau:

- Lương của các GS, PGS hiện nay quá thấp, không đủ khuyến khích họ làm việc tận tâm

 

- Đội ngũ GS, PGS hiện nay quá ít và đang có nguy cơ không có thế hệ kế thừa

 

Đương nhiên, trong phạm vi một bài báo ngắn tác giả mới chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng mà không thể nêu chi tiết và phân tích thấu đáo, cũng như không thể đưa ra được hướng giải pháp xử lý vấn đề.

 

Cá nhân tôi trong một buổi giao lưu của bộ môn với một vị GS đã nghỉ hưu đã phát biểu: “Với tình trạng như hiện nay, không biết khoảng mươi, mười lăm năm nữa, khi thế hệ các anh “không còn khả năng làm việc” thì không biết nền khoa học nước ta sẽ thế nào?”.

 

Đọc bài báo tôi thấy rằng tác giả đã đánh giá thực trạng trên quan điểm thuần túy về nguyên lý: GS, PGS là đội ngũ chuyên gia lành nghề có thể đóng góp được nhiều cho xã hội vì thế cần được trả lương xứng đáng để họ có thể yên tâm cống hiến hết sức mình.

 

Thực tế sự phát triển đội ngũ GS, PGS của Việt Nam phức tạp hơn nhiều và điều kiện làm việc còn nhiều bất cập nên giải pháp xử lý cũng không đơn giản chỉ trả lương cao lên là có thể phát huy tác dụng.

 

Xin chứng minh bằng một số ý ngắn gọn:

 

- Việc phong hàm với quy trình rất chặt nhưng hệ thống pháp lý xã hội lại lỏng nên bị các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng dẫn đến tình trạng một số GS, PGS không thực tài. Những GS, PGS này sau khi được phong xong là “đạt mục đích” và cũng là quá sức nên không hoạt động nữa.

Thực tế tôi thấy có PGS từ khi được phong cho đến khi nghỉ hưu không có một bài báo nào, không hướng dẫn một thạc sỹ hoặc tiến sỹ nào, càng không chủ nhiệm một đề tài khoa học nào. Nếu tăng lương đồng loạt cho GS, PGS lên 1000 đô la tức là gấp 3 lần những người không có học hàm nhưng làm việc hiệu quả hơn những đối tượng này thì thực là nực cười.

 

- Việc đánh giá, bổ nhiệm và điều kiện làm việc đối với những người đã được phong ở một số cơ quan còn chưa chuẩn. Có chuyện nực cười là có không ít người không là GS, PGS thậm chí không phải là TS nhưng lại ngồi ghế chủ tịch hội đồng khoa học khoa hoặc trường trong khi GS, PGS thì ngồi ở nhà vì “không đủ uy tín” bổ nhiệm. Điều đó cùng với việc không có sự khác biệt nào về lương đã không tạo được động cơ cho lớp trẻ phấn đấu để được phong hàm. Trong khi đó, đội ngũ quản lý lại rất muốn được phong vì nó là điều kiện tốt cho sự thăng tiến của họ.

 

Từ thực tế lớp trẻ đã rút ra được “bài học đáng quý” là đang trẻ phấn đấu lên chức, từ chỗ có chức được phong học hàm, học vị dễ hơn. Cũng vì vậy, trong số GS, PGS hiện nay số người chỉ thuần túy quản lý không ít mặc dù đây là chức danh của cán bộ giảng dạy. Điều đó giải thích cho việc hiện hữu nguy cơ không có đội ngũ kế thừa.

 

Tóm lại, vấn đề không đơn giản như tác giả Hiếu Hiền đã nêu. Một GS, PGS thực tài lương chỉ 5-6 triệu, không bằng một sinh do mình đào tạo vừa mới ra trường nên họ không tận tâm nhưng một GS, PGS bất tài cũng không thể gấp ba lương một người không có học hàm nhưng làm việc hiệu quả. Để “bàn cho ra nhẽ” vấn đề này cần một đề tài khoa học chứ không thể nói hết trong phạm vi một bài báo.

 

Xin nói thêm, một nguyên nhân thiếu hụt đội ngũ GS, PGS trong các trường đại học một phần là do quy trình phong cứng nhắc. Quy chế quy định rằng để được phong GS cần có hướng dẫn 2 NCS, như vậy, chỉ những người dạy đúng chuyên ngành mới có cơ may được phong GS. Có người nói đùa rằng hiện tôi đã đủ tiêu chuẩn, chỉ thiếu hướng dẫn NCS, tôi sẵn sàng đút lót theo yêu cầu nếu có người tình nguyện làm NCS của tôi”.

                                                                                                     

P.H.S.