Một thí sinh “phàn nàn” về kỳ thi tuyển công chức ở Bộ Giáo dục

(Dân trí) - Trước vụ vi phạm quy chế thi xảy ra ngay cạnh phòng Bộ trưởng Giáo dục, không chỉ dư luận mà bản thân những người tham dự kỳ thi cũng tỏ ra bức xúc. Một thí sinh cho biết, họ không chỉ bất bình về cách giải quyết của Vụ Tổ chức cán bộ khi phát hiện vụ việc, mà còn cho rằng ngay trong quá trình tổ chức thi tuyển cũng còn nhiều vấn đề “chưa chuẩn”.

Dưới đây là ý kiến của ông Đinh Quang Thắng - giáo viên Trường Chính trị tỉnh Hà Nam, người vừa tham gia đợt thi tuyển công chức vào Phòng Tổng hợp của Bộ GD-ĐT vừa qua.

 

Tổ chức thi tuyển chưa đúng quy định

 

Tôi là người vừa tham gia đợt thi tuyển công chức ở Bộ GD-ĐT và nhận thấy kỳ thi có rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng:

 

Thứ nhất là việc thu nhận hồ sơ, Vụ Tổ chức cán bộ không thông báo cho các thí sinh ngay từ đầu là cần phải chuẩn bị những gì, xác nhận ở đâu, mà đến tận sát ngày thi (chỉ cách thi 3 ngày) mới thông báo là làm xác nhận của cơ quan. Việc thông báo gấp gáp như vậy đã khiến tất cả những người thi công chức, đặc biệt là những người ở tỉnh xa phải khốn đốn về việc xin giấy xác nhận khi ngày thi đã cận kề.

 

Thứ hai là về tài liệu ôn tập. Nếu như Bộ không tổ chức được những buổi phụ đạo cho các công chức trước khi thi thì cần cung cấp tài liệu cho họ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, tài liệu của chúng tôi nhận được chưa đầy đủ.

 

Ở buổi thi vấn đáp môn Hành chính Nhà nước, người hỏi thi đưa ra những câu hỏi chưa phù hợp với nội dung yêu cầu ôn tập để chuẩn bị thi.

 

Tiếp nữa, các cán bộ làm công tác tổ chức thi biểu hiện sự lúng túng trong công việc, cụ thể là về việc phân biệt các đối tượng kê khai lý lịch. Và sự giải thích không rõ ràng đã gây sự hiểu nhầm cho người dự tuyển. Các cán bộ đó không nắm rõ văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức về biểu mẫu 2c trong lý lịch. Nghĩa là khi nào thì được điền vào mẫu 2c và khi nào không. (Việc điền vào biểu mẫu 2c chỉ dành cho những người qua cán bộ công chức). 

 

Không chỉ có vậy, tôi cũng rất thắc mắc về việc có một người hiện là nhân viên hợp đồng của Văn phòng Bộ nhưng cũng được thi vào công chức bộ phận y tá. Trong khi theo quy định về Pháp lệnh công chức, Nghị định 117, Thông tư 09 chỉ có những công chức dự bị mới được thi vào công chức. Và muốn trở thành công chức thì phải trải qua 24 tháng công chức dự bị.

 

Bản thân ông Khiêm cũng xử lý sai quy chế

 

Có thể nói, bản thân ông Hoàng Gia Khiêm - Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ là người làm công tác tổ chức tuyển sinh nhưng đã không thực hiện đúng quy chế. Quy chế được phổ biến trước hội đồng thi đối với người dự thi rất chặt chẽ. Nhưng tôi không thấy đọc quy chế đối với cán bộ coi thi. Liệu có quy chế cho cán bộ coi thi hay không. Vì theo quy định, trước khi thi, hội đồng thi cần phải công bố cả hai quy chế này.

 

Ông Hoàng Gia Khiêm khi phát hiện ra sự việc tiêu cực của hai thí sinh Hoa và Việt vừa qua cũng đã làm sai. Cụ thể là khi phát hiện ra sai phạm đó, ông Khiêm lập biên bản xử lý, nhưng cách xử lý là chưa đúng. Vì trong hai truờng hợp này phải cho dừng thi ngay lập tức và dừng thi các môn thi tiếp theo do mức độ vi phạm quá nghiêm trọng.

 

Do vậy, việc hai thí sinh đã ra khỏi phòng thi và bắt được quả tang trong phòng bà Đào Thị Bình, Trưởng phòng Tổng hợp, mà không đình chỉ thi, vẫn tiếp tục cho thi cũng là sai phạm từ phía ông Khiêm. Và khi báo cáo lên hội đồng thi, thì hội đồng thi vẫn tiếp tục cho thi. Như vây, kỳ thi công chức của Bộ đã làm đúng quy chế chưa?

 

Tiếp nữa, khi bản thân bà Bình bị phát hiện có dấu hiệu sai phạm, thì bà Bình cần dừng ngay việc tiếp tục là thành viên trong hội đồng thi. Nhưng không hiểu tại sao, bà Bình vẫn tiếp tục tham gia công tác coi thi, chấm thi, trong đó lại có em gái của mình cũng dự thi vào Bộ?!

 

Trước những sai phạm nghiêm trọng như vậy, những người dự thi tuyển như tôi hết sức bức xúc. Nhưng tôi rất tin tưởng vào cách giải quyết của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nghĩa là xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra tiêu cực trong thi cử ngay tại Bộ!

 

Đinh Quang Thắng
(Giáo viên Trường Chính trị tỉnh Hà Nam)