Một tiến sĩ bị đòi bồi thường 20.000 USD vì… dạy tư

Sau khi rời trường, một tiến sĩ đi dạy tư thì bị trường cũ đòi bồi thường 20.000 USD. Trường nói giảng viên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cam kết giữa hai bên. Tiến sĩ cho rằng kiến thức ông có là từ nhiều nền giáo dục khác nhau nên có quyền đi dạy.

Hai năm không được dạy

 
Mới đây, một văn phòng luật sư là đại diện theo uỷ quyền của công ty cổ phần trường Doanh nhân Đắc nhân tâm (trường doanh nhân Đắc nhân tâm) gửi văn bản yêu cầu ông Lê Như Hiếu, nguyên giảng viên của trường bồi thường thiệt hại vì những vi phạm của ông. Theo đó, văn bản này thể hiện ý chí của trường doanh nhân Đắc nhân tâm buộc ông Hiếu bồi thường 20.000 USD gồm tổn thất tài sản, mức giảm sút thu nhập, lợi nhuận của trường mà ông Hiếu ký với khách hàng và chi phí luật sư. Ngoài ra, ông Hiếu còn phải lập văn bản xin lỗi trường trên ba tờ báo.
 
Nếu các yêu cầu này không được thực hiện, trường sẽ kiện ông Hiếu ra toà. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, lãnh đạo trường không bình luận về vụ việc và cho biết mọi chuyện đã được giao cho văn phòng luật sư.
 
Theo tiến sĩ Lê Như Hiếu, tháng 6.2007, ông và trường doanh nhân Đắc nhân tâm có ký hợp đồng bằng tiếng Anh. Công việc của ông Hiếu là giảng dạy kỹ năng mềm cho nhân viên của các công ty mà trường nhận đào tạo. Đó là những kỹ năng về giao tiếp, quan hệ khách hàng, bán hàng…
 
Trong một lần bị bệnh phải điều trị, ông Hiếu nhận ra công việc mình đang làm không được đóng bảo hiểm y tế. Do phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh nên ông không yên tâm công việc và đề nghị trường ký lại hợp đồng. Năm 2011, ông Hiếu và trường ký bản hợp đồng theo mẫu của bộ Lao động – thương binh và xã hội. Cuối năm đó, ông Hiếu thôi việc và ra dạy tư thì bị trường đòi bồi thường thiệt hại và tuyên bố kiện ra toà.
 
Lý do trường đòi ông Hiếu bồi thường vì bản hợp đồng bằng tiếng Anh có đề cập sau hai năm từ ngày chấm dứt hợp đồng, ông Hiếu không được tham gia giảng dạy những nội dung trong chương trình đào tạo của trường.
 
Chất xám là của cá nhân
 
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, tiến sĩ Lê Như Hiếu cho biết, ông được thụ hưởng từ nhiều nền giáo dục khác nhau. Kỹ năng mềm là những quan hệ giao tiếp thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể học được từ gia đình, từ cuộc sống xã hội. Vì vậy, những yêu cầu bồi thường của nhà trường đối với ông là không có cơ sở. Bởi lẽ, trường không bỏ 20.000 USD để đào tạo ông nên khi thôi việc ông không phải trả lại chi phí này. Bản thân ông chỉ là người lao động đi làm thuê bằng chất xám của mình. Ngoài ra, ông cũng không sử dụng giáo án của trường để đi dạy bên ngoài.
 
Về yêu cầu hai năm không được đi dạy kể từ khi nghỉ việc ở trường, tiến sĩ Lê Như Hiếu bộc bạch: “Tôi còn có cuộc sống riêng với nhiều toan lo cho gia đình, nhưng hai năm đó trường không trả lương thì làm sao cấm tôi đi dạy? Trường doanh nhân Đắc nhân tâm có vai trò là bên nhận quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại với công ty Dale Carnegie & Associates, Inc. ở nước ngoài nhưng không có nghĩa là hành xử theo luật nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Luật sư do họ thuê, nhưng chi phí 675 USD cũng bắt tôi trả là vô lý”.
 

“Rất thú vị”

Phía ông Hiếu và trường đều dứt khoát gặp nhau ở toà án, trong tình huống này, theo luật sư Trần Minh San, đoàn Luật sư TP.HCM, thì “rất thú vị”.

Luật sư San cho biết, hợp đồng là thoả thuận với nhau nên bằng tiếng Anh hay tiếng Việt không quan trọng. Chuyện doanh nghiệp nước ngoài ràng buộc nhân viên không làm cho công ty đối thủ trong thời gian nhất định sau khi nghỉ việc vẫn xảy ra. Đây là việc hoàn toàn có lý nếu sản phẩm, công nghệ bị nhân viên đem “cống hiến” cho đối thủ. Tuy nhiên trí tuệ lại thuộc về sở hữu của cá nhân mỗi người. “Cần phải xem lại hợp đồng có phù hợp với pháp luật Việt Nam, vì nếu không thì xem như vô hiệu. Vì kiến thức là quá trình tự tích luỹ của mỗi người nên buộc người khác không được đi dạy là xâm phạm quyền tự do làm việc. Ngoài ra, khi yêu cầu người khác bồi thường, trường phải chứng minh thiệt hại vật chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của giảng viên chứ không phải lấy thu nhập thực tế của giảng viên làm thiệt hại cho mình. Hơn nữa, luật pháp hiện hành chưa có quy định về mức bồi thường bao gồm chi phí luật sư”, luật sư Trần Minh San nói.

 
Theo Thanh Nhã
SGTT