Một trường hợp bị buộc thôi học sau 2 tuần nhập trường

(Dân trí) - Sáng 8/10, tân sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội Đặng Đức Minh hớt hải tìm đến Dân trí phản ánh về việc mình bị buộc thôi học sau hai tuần nhập trường.

Theo phản ánh của Đức Minh, sở dĩ trường ĐH Sư phạm Hà Nội quyết định buộc em thôi học là do trong hồ sơ ĐKDT đã “khai man” mục hưởng chế độ điểm ưu tiên đối tượng.

Đức Minh cho hay, trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 em thi vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng không trúng tuyển. Hồ sơ của em ghi rõ thuộc đối tượng ưu tiên 06 và thuộc diện ưu tiên khu vực KV2-NT. Toàn bộ giấy báo dự thi của Học viện Báo chí đều chứng nhận điều này.  

Sau khi trượt NV1, Đức Minh quyết định nộp đơn xét tuyển NV2 vào ngành Công tác xã hội khoa Giáo dục chính trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với mức 17,5 điểm, Đức Minh đã vừa đủ điểm trúng tuyển NV2 do được cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.  

Niềm vui chưa được bao lâu thì bất ngờ sau hai tuần nhập học Đức Minh nhận được quyết định buộc thôi học vì “khai man” hồ sơ.  

Giải thích về việc ghi thuộc đối tượng ưu tiên 06 trong hồ sơ ĐKDT, Đức cho biết: “Mẹ em bị tai nạn lao động hạng 1, tỷ lệ thương tật là 81% từ năm 1985 có giấy chứng nhận thương tật số 21/93 ngày 31/12/1987 do cơ quan có thẩm quyền cấp. Từ đó đến nay mẹ em vẫn được hưởng chính sách như thương binh và đã được phòng bảo hiểm Xã hội huyện Ân Thi - tỉnh Hưng Yên xác nhận tại văn bản ngày 2/10/2007”. 

Để làm rõ vấn đề này, Dân trí đã trao đổi với bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH. Theo bà Hà thì không thể căn cứ trên hồ sơ ĐKDT của trường dự thi trước đó để làm cơ sở chứng minh đối tượng ưu tiên. Trường tiếp nhận sinh viên có quyền kiểm tra lại hồ sơ, nếu hồ sơ có dấu hiệu sai sót, khai man thì đều bị xử lý.

Vậy con của người mất sức lao động 81% thì có thuộc diện đối tượng ưu tiên?

“Bộ GD-ĐT đã có văn bản tuyển sinh quy định về hưởng chế độ điểm ưu tiên. Trong đó có nói đến đối tượng là con thương binh, bệnh binh và con của người hưởng chế độ như thương binh. Việc người bị tại nạn lao động có thuộc diện trên hay không phải do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xác định”, bà Hà cho biết.  

Sau nhiều cuộc điện thoại liên lạc với Phòng, Ban của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, chúng tôi cũng có câu trả lời: Người bị tai nạn lao động chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng do bảo hiểm xã hội chi trả chứ không thuộc diện hưởng chế độ như thương binh mà Phòng bảo hiểm xã hội huyện Ân Thi - Hưng Yên đã xác nhận cho Đức Minh.

Giải thích về vấn đề này, cán bộ Phòng bảo hiểm xã hội huyện Ân Thi cho biết: “Đối với trường hợp của Đức Minh thì các năm theo học ở cấp THCS, THPT em đều được nhận chế độ miễn giảm học phí và năm nào chúng tôi cũng xác nhận theo mẫu của nhà trường gửi đến”. 

Khi được hỏi Phòng đã dựa trên văn bản của Bộ Lao động thương binh và Xã hội để chứng nhận bà Vũ Thị Tám, mẹ của sinh viên Đức Minh được hưởng chế độ như thương binh, cán bộ này phân bua: “Trong chứng nhận chúng tôi đã yêu cầu ghi rất rõ là hưởng chế độ chính sách như thương binh do bị tai nạn lao động hạng I, tỉ lệ thương tật 81%”. 

Như vậy, với sự tắc trách của Phòng bảo hiểm huyện Ân Thi đã làm cho Đức Minh một cú sốc khá lớn khi bị buộc thôi học do “khai man” hồ sơ. Tuy nhiên, Đức Minh vẫn còn may mắn khi em không bị liệt vào việc cố ý khai man hồ sơ tuyển sinh nên vẫn còn cơ hội cho em dự kì thi tuyển sinh ĐH năm 2008.

Thảo Nguyên