“Mưa” chứng chỉ và tâm lý “khát” bằng

(Dân trí) - Nhiều ứng viên cho rằng hồ sơ xin việc sẽ “nặng đô” hơn nếu tích lũy được nhiều chứng chỉ. Với cách đào tạo ào ạt, “công nghiệp”, tấm bằng chứng chỉ lại chỉ là liều thuốc an thần mạnh giúp bình ổn tâm lý.

Chiêu thức “nam châm”

 

Phóng viên (PV) nhập vai một học viên mong muốn học thử xem chất lượng trước khi đăng ký học chính thức. Cô tư vấn viên đon đả: “Em yên tâm, trong 6 ngày từ ngày khai giảng, em có thể rút toàn bộ học phí, nếu không thích học vì bất cứ lý do gì cũng được rút tiền về”. Trong khi, lớp đào tạo chứng chỉ ngắn hạn chỉ học có hơn 30 buổi, học viên đã học 1/5 số tiết mà vẫn được rút tiền.

 

Khi PV vẫn chần chừ, cô này trấn áp thêm: “Giờ đã là hơn 70 học viên đăng ký rồi (trong khi trước đó cô nói một lớp chỉ khoảng 50 - 60 học viên), em không đăng ký hôm sau không có lớp đâu. Mang bao nhiêu tiền cứ đặt trước ở đây, mai nộp nốt cũng được, không học ba buổi đầu không theo được”.

 

Theo tìm hiểu của PV, các trung tâm đào tạo chứng chỉ luôn có sẵn các chiêu thức khuyến mại hấp dẫn để “hút” học viên. Như trung tâm chuyên đào tạo nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu ngắn hạn, hướng dẫn sử dụng chứng từ xuất nhập khẩu… ở ĐH N.T chào mời: “Giảm 10% với học viên là sinh viên, 10% nếu đã từng tham gia ít nhất một khóa học của Khoa, Giảm 5% tổng học phí với các doanh nghiệp và tổ chức có từ 6 học viên đăng ký học trở lên trong cùng một khóa”…

 

T.K.H (SV khoa Nhật, ĐH Ngoại ngữ ĐHQGHN) cho biết thêm: “Đăng ký học chứng chỉ ở ĐH KTQD nếu là SV được giảm 10% tức là 50.000 đồng trong 550.000 học phí cứng. Nếu tham gia các lớp đào tạo kế toán máy còn được giảm giá đến 15%”.

 

B.T (SV Năm 3 khoa Tiếng Anh, ĐH Công nghiệp Hà Nội) đã “kinh qua” hai khóa học: Quản trị kinh doanh và Kế toán tổng hợp. B.T ngày nào cũng hành trình chục cây số từ Nhổn về Giải Phóng “trau dồi” chứng chỉ. B.T cho biết: “Khi mình đi đăng ký, cô tư vấn viên tận tình đưa hẳn cho mình xem bảng điểm của học viên các khóa trên. Lật dở bảng điểm, mình thấy toàn điểm cao ngất ngưởng: 8, 9, 10”.

 

Để khuyến khích học viên, các trung tâm nhận học viên đến phút chót sát giờ khai giảng. Thậm chí, khai giảng rồi, học viên vẫn có thể đăng ký. Có trung tâm chơi trội hơn bằng cách đưa ra “chiêu” mới học viên có quyền lợi thi vượt bằng nếu đạt loại trung bình mà không phải đóng lệ phí thi lại.

 

Phân biệt trung tâm thật - ảo?

 

Một tấm bàn, điện thoại bàn và một cô tư vấn viên, thế là thành một trung tâm tư vấn đào tạo chứng chỉ. Đi một lượt qua các trung tâm đào tạo chứng chỉ ở ĐH KTQD, ĐH NT…, PV đều chứng kiến cảnh tương tự. Các trung tâm đào tạo chứng chỉ mọc lên như nấm. Ngay trong trường ĐH KTQD, sơ sơ đã đếm được 3 trung tâm đều mang danh khoa Kế toán nhưng lại “đóng” ở vị trí khác nhau.

 

PV đã đến tận văn phòng khoa Kế toán ĐHKTQD, PV đưa ra hai tờ rơi đều ghi đào tạo chứng chỉ trực thuộc khoa, nhờ giải thích. Một giảng viên trẻ cầm hai tờ rơi băn khoăn, vội khoanh tròn một số điện thoại: “Tờ rơi của trung tâm này thuộc khoa Kế toán thì đúng hơn, vì số điện thoại 86910… là số điện thoại cũ của khoa”. Khi được hỏi là tại sao trong tờ rơi vẫn ghi là khoa Kế toán, PV nhận được lời giải thích: “Chỉ lấy của khoa cái danh thôi, nhưng thực chất là trung tâm đó thuộc trực thuộc trường”. Vị giảng viên chữa “thẹn”: “Tôi là giảng viên trẻ nên không nắm rõ”.

 

Chính “người nhà” còn rất mơ hồ về thông tin, vậy học viên biết cách nào phân biệt trung tâm thật ảo trong “biển” trung tâm?

 

Đem con bỏ chợ

 

Một sinh viên năm thứ 3 đang “cày” ở một trung tâm đào tạo được hỏi, bạn học thêm chứng chỉ làm gì, đã cho biết: “Mình nghĩ có thêm chứng chỉ thì hồ sơ xin việc sau khi ra trường của mình sẽ “nặng ký”, và cơ hội mở ra sẽ nhiều hơn”. Nhu cầu đi học chính đáng của học viên bị nhiều trung tâm đào tạo chứng chỉ lợi dụng tâm lý “khát” bằng để kiếm chác.

 

Đến gần giờ khai giảng, học viên vẫn dáo dác không biết đăng ký học ở đâu, lớp học ở phòng nào. T.Q - học viên bức xúc: “Mình sang trung tâm KTQD đăng ký thì được chỉ dẫn sang bên này học, có thẻ rồi mà vẫn chưa biết học ở đâu”. Thì ra, trung tâm tiếng Anh, tin học lại là nơi đăng ký, nộp lệ phí học chứng chỉ kế toán. Đó là hiện trạng của địa chỉ đào tạo chứng chỉ 16… Nguyễn Ngọc Vũ (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Trung tâm đào tạo kế toán bên KTQD thuê địa điểm này).

 

Đi dự thính một lớp đào tạo chứng chỉ trong ĐH KTQD, PV được chứng kiến tận mắt cảnh của lớp học chứng chỉ. Vừa vào giờ học thầy đã ghi dòng chữ trên bảng: “Từ tuần sau lớp chuyển lớp sang B 106 (Lớp học hiện tại C 111 - PV)”. Kèm theo lời giải thích của thầy: “Do phòng học này phải sửa chữa”.

 

Thực ra, thay đổi lớp học liên xoành xoạch, là hệ quả của chiêu thức khuyến mại hút học viên. N.H (SV ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN) chia sẻ: “Lớp học cứ teo dần, trung tâm buộc phải “điều đình” chuyển từ phòng lớn sang phòng nhỏ hơn (giảm chi phí thuê địa điểm - PV). Lớp học 6 buổi mình nghỉ đến 3 vì về quê, lúc học vào lớp chẳng thấy ai cả”. Bí quyết của học chứng chỉ của H là phải xin số điện thoại của vài học viên để liên hệ vị trí lớp học!?

 

T.Q còn ấm ức: “Cô tư vấn nói giáo trình rất cần, mình mua luôn “tận gốc” tại trung tâm với giá 50.000đ. Trong khi đó, ra bên ngoài giá chỉ có 32.000đ”. Phần lớn, chẳng học viên không mua giáo trình, chỉ có vài tờ phô tô bài tập do thầy đưa. Ai có nguyện vọng thì phô tô.

 

Giảng viên cứ thao thao bất tuyệt giảng. Nửa giờ học, học viên mới vào lớp, học viên khác lập tức ra về trước mặt thầy mà không xin phép. Quy định là quá 1/3 chương trình đào tạo sẽ không được thi. Nhưng điểm danh chủ yếu là kiểm tra xem có học viên “học chui” không? Vì theo như nhân viên tuyển sinh, điểm danh cũng chỉ đột xuất.

 

Nguyễn Thị Lê Na (Nhân viên tuyển sinh lớp chứng chỉ khoa Kế toán ĐHKTQD) cho biết: “Chứng chỉ của trung tâm do Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội quản lý, số lượng đào tạo, số lượng chứng chỉ… Khoa Kế toán sẽ phụ trách việc cử giảng viên và duyệt bài giảng, giáo trình”. Nhưng về chất lượng chứng chỉ khá giỏi trung bình lại được đánh giá theo tiêu chí thang điểm. Trong khi, đề là của giảng viên tự làm rồi khoa Kế toán “phê chuẩn”.

 

Nhân viên tuyển sinh Lê Na cung cấp số liệu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 1 khóa đào tạo kế toán tổng hợp tại trung tâm: giỏi 34%, khá 52%, trung bình 12%. Tỉ lệ đỗ khá, giỏi khá cao, thực chất chất lượng đầu ra như thế nào thì chưa có cách nào thống kê cụ thể được?

 

Lưu Vân