Mùa lều chõng của con, chuyện buồn của cha mẹ...

Để chuẩn bị cho con đi ra kinh ứng thí, biết bao gia đình nông thôn nghèo đã phải dốc toàn bộ tiền tiết kiệm trong nhà, thậm chí là sự "ra đi" của những bầy gà, đàn lợn trong chuồng. Song, đã có nhiều câu chuyện rắc rối xảy ra.

Mỗi khi năm học vừa kết thúc, lập tức hàng ngàn cô cậu tú đổ về 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, chui vào các lò luyện thi cấp tốc với mong muốn tìm được cơ may cho kỳ thi đại học

 

Năm ngoái, Tuấn Anh (Tuyên Quang) vừa thi xong PTTH, học lực trung bình, được bố mẹ tức tốc đưa ngay ra Hà Nội luyện thi. Cậu được cha mẹ cho mang theo 2 triệu đồng. Cứ vài tuần Tuấn Anh lại gọi điện về nhà xin thêm tiền. Cậu an ủi cha mẹ rằng mình may mắn gặp toàn thầy dạy giỏi, là những người trực tiếp ra đề thi đại học nên xác suất "trúng tủ" rất cao...

 

Đùng một cái, người quen ở Hà Nội điện cho gia đình lên... đón con về. Té ra, chỉ sau 1 tuần, cậu đã có tình yêu sét đánh tại một lò luyện sử ở khu Thanh Xuân với một cô gái Hà thành hẳn hoi... Và để làm đẹp lòng người đẹp, Tuấn Anh phải chi tiêu phóng khoáng, mỗi khi đưa em đi chơi phải bỏ tiền ra thuê xe Spacy chạy cho... oai. Tới khi cạn kiệt nguồn viện trợ, hết đường vay mượn người quen, cậu đã liều ăn cắp chiếc xe mini Nhật của một bạn cùng lò luyện thi và bị phát giác, đưa vào đồn công an chờ bố mẹ lên giải quyết.

 

Chuyện các học sinh tỉnh lẻ bỗng chốc trở thành những kẻ lêu lổng trong thời gian lều chõng đi thi không phải là hiếm. T., con cô Lê Thị V. (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) cách đây mấy năm thi đỗ Đại học Nông nghiệp nhưng lại mơ vào ĐH Y., T. thuyết phục cha mẹ đồng ý đầu tư cho hẳn 1 năm luyện thi ở Hà Nội. Hằng tháng, cha mẹ phải dồn từ 1-1,5 triệu cho cậu con quý tử. Thế mà trượt vẫn hoàn trượt! Đã thế, khi đón con từ đầu làng, bố mẹ mắt tròn mắt dẹt khi thấy cậu con cù lần của mình trông lạ hoắc: tóc nhuộm vàng khè, quần bò xé gối nham nhở... Cậu còn biết hút thuốc nhả khói hình chữ o và uống rượu sành sỏi. Trong những tháng ngày đi "dùi mài kinh sử", T. đã có "cả đống" anh em kết nghĩa.

 

Cậu khoe: các chiến hữu toàn con nhà đại gia ở các tỉnh thành lân cận, thường dắt cậu đi vũ trường, rất rành chuyện vào bar, ăn cơm đập, uống rượu ngoại. Bà mẹ phát khóc: một năm qua chắt bóp từng xu để cho con ôn thi, ai ngờ lại vô tình quẳng con vào một môi trường xấu...

 

Nhiều gia đình sợ con bị ảnh hưởng xấu từ xã hội bên ngoài, đã gửi con ở nhà người quen, song với những cô cậu ham chơi thì tiền đóng học vẫn được dùng để đi uống cà phê, kết bạn ở lớp luyện thi và trong các phòng net...

 

Trường hợp của cô bé Lê Minh H. từ Nha Trang vào TP.HCM ở trọ nhà người bạn của mẹ lại là một câu chuyện đáng tiếc... H. học giỏi, chăm chỉ và hiền lành. Bỗng một ngày nọ, khi người lớn đi vắng, cậu bé 14 tuổi, con trai chủ nhà nói với H. rằng thời gian qua vì tò mò nên đã nhìn trộm H. tắm qua khe cửa. Cậu thấy H. thật đẹp và cậu cầu xin cho mình được nhìn H. khỏa thân một cách trọn vẹn (!). Nghe cậu bé nói, H. kinh hãi, khóc nức nở. Ngay hôm đó, H. bỏ về quê. Cú sốc ấy ám ảnh H. khiến kỳ thi đại học năm đó cô đã bị thất bại. Phải đến năm sau H. mới thi đỗ và khi đi thi phải có bố đưa đi, thuê nhà trọ và hộ tống cô suốt mấy ngày thi cử.

 

Không ít gia đình sau khi bán lúa má, lợn gà... để dồn tiền cho con đi thi với niềm hy vọng khoa cử, cuối cùng con thất bại đã quay ra chỉ trích, chửi mắng con, khiến có em đã bỏ nhà ra đi hoặc liều mình tự vẫn, may có người can thiệp kịp thời... Mùa thi đang đến gần, các bậc phụ huynh nên có biện pháp giúp đỡ và quản lý con em hợp lý bởi dẫu sao ở tuổi 17-18, các em vẫn còn rất bỡ ngỡ trước một môi trường mới, nhất là với cuộc sống náo nhiệt, đầy cám dỗ chốn đô thành.

 

Theo Mai Trí - Đinh Kiều Oanh

Thanh Niên