Dự thảo đề án Kỳ thi THPT quốc gia:

Mục tiêu và những lo ngại

(Dân trí) - “Thực tế trong suốt bao nhiêu năm qua cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT có độ tin cậy ít hơn nhiều so với kỳ thi ĐH và CĐ, đặc biệt là ở khâu coi thi và chấm thi. Nếu lấy kết quả này để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì tiêu cực sẽ ít hơn hay sẽ tăng lên?...”

Trao đổi với Dân trí về Dự thảo đề án kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, GS Văn Như Cương đã bày tỏ những lo ngại của mình.

 

Một trong các nguyên nhân của sự tiêu cực và phổ biến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là địa điểm thi: thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ở địa phương sở tại ở xã, ở huyện... khắp trên toàn quốc, còn thi ĐH thì chỉ ở thành phố lớn. Như vậy, khi không còn kỳ thi ĐH nữa thì người ta còn có thể hy vọng gì?”

 

Nhưng cuộc vận động “Hai không” được toàn ngành trong hơn một năm qua sẽ trả lại cho ngành những kỳ thi thực chất, bằng chứng là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã sụt tới gần 30% so với những năm trước?

 

Mục tiêu quan trọng của mọi kỳ thi là làm thế nào để đạt được "độ tin cậy" cao, có nghĩa là chỉ có người xứng đáng mới được lựa chọn, không có người "trượt oan" và cũng không có người "đậu oan". Điều đó phụ thuộc vào mọi công đoạn của kỳ thi, từ việc ra đề cho phù hợp, bảo mật đề, tổ chức coi thi, chấm thi...

 

Người ta biện giải rằng, chúng ta đang có cuộc vận động chống gian lận trong thi cử, và do đó hy vọng đến năm 2008 hoặc 2009 các kỳ thi dẫu được tổ chức ở địa phương vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, và do đó vẫn đạt được độ tin cậy cao. Hy vọng đó rất trong sáng, nhưng rất có thể vẫn chỉ là hy vọng...

 

Thực tế vừa qua chứng tỏ rằng, chúng ta mới chỉ "nói không..." với gian lận mà thôi, còn làm thì quá im ắng. Chuyện tiêu cực trong các kỳ thi sợ rằng còn lâu mới hết...

 

Ngoài lý do sợ tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là phổ biến và nghiêm trọng thì khi lấy kết quả này để xét tuyển vào ĐH có thể còn gặp những bất cập gì?

 

Thi tốt nghiệp là nhằm kiểm tra xem các thí sinh có đạt được yêu cầu tối thiểu đã đề ra cho một khoá học, một đợt học, một đợt tập huấn... hay không? Nếu đạt thì cấp bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ mãn khoá. Trong lúc đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH là nhằm lựa chọn trong các thí sinh những người có năng lực hơn người khác về những mặt nào đó để tiếp tục học tập hoặc làm việc theo những định hướng nhất định

 

Mức độ khó dễ của các đề thi là rất khác nhau, tuy vẫn chỉ nằm trong phạm vi kiến thức của chương trình phổ thông. Về mặt kỹ thuật và học thuật, khó lòng tìm ra được một đề thi chung cho cả hai mức độ như vậy.

 

Tức là theo ý GS thì không thể bỏ kỳ thi ĐH?

 

Theo ý kiến của tôi thì nên làm... ngược lại với cách của Dự án hiện nay: Thay vì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH thì làm “nhẹ” kỳ thi tốt nghiệp THPT đi và vẫn tổ chức kỳ thi ĐH một cách sát sao nhất. Nhất là ở một nước có tỷ lệ vào ĐH thấp như ở Việt Nam.

 

Tại bất kỳ nước nào trên thế giới cũng tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT để học sinh lấy bằng Tú tài. Còn có kỳ thi vào ĐH hay không là tuỳ. Nước nào mà số học sinh được nhận vào ĐH đông (Anh, Pháp, Úc, nhiều bang ở Mỹ...), thì người ta không cần thi. Ai có bằng Tú tài là có thể ghi tên vào các trường ĐH (trừ một số ít trường ngoại lệ).

 

Còn ở những nước mà tỉ lệ vào ĐH thấp như ở nước ta thì chắc chắn là phải có kỳ thi tuyển vào ĐH. Trung Quốc cũng tổ chức thi tốt nghiệp THPT, song rất gọn nhẹ. Học sinh có đủ chứng chỉ của 12 môn học là được cấp bằng tốt nghiệp, các chứng chỉ đó được cấp từ lớp 10 cho đến lớp 12, mỗi khi môn học kết thúc. Kỳ thi tuyển sinh ĐH là kỳ thi quốc gia, họ cũng tổ chức giống như ta hiện nay.

 

Trước những lo ngại về dự thảo nêu trên, ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), một trong các tác giả của đề án cho rằng, những điều đó đã được tính đến khi xây dựng đề án.

 

Ông Ninh có nêu ra một vài lý do vì sao ngành giáo dục tiến hành xây dựng Đề án theo hướng này.

 

Thứ nhất là tiết kiệm chi phí và giảm rủi ro. Từ nhiều năm trước đây,  hằng năm trên cả nước liên tục diễn ra nhiều kỳ thi: tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, thi tuyển sinh ÐH, CÐ, TCCN. Nói chung các kỳ thi này giống nhau cho cùng một đối tượng dự thi là những người học xong chương trình THPT. Mỗi kỳ thi diễn ra đồng loạt và có quy mô lớn, khó kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Dự thảo của Đề án là một trong những nỗ lực của hệ thống giáo dục nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá.

 

Trước những lo ngại của dư luận xã hội về tình hình tiêu cực trầm trọng và phổ biến tồn tại hàng chục năm nay trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Ninh cho rằng, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" cũng đã bước đầu tác động tích cực đến thi cử. Việc tăng cường giám sát kiểm tra sẽ khắc phục mối lo ngại này.

 

7 giải pháp Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đề xuất

 

1. Hằng năm, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và làm một căn cứ xét tuyển vào ÐH, CÐ, TCCN. Trong các khâu của kỳ thi, Bộ GD và ÐT tổ chức việc ra đề thi, những khâu còn lại do địa phương chịu trách nhiệm thực hiện trên cơ sở quy chế thi và các hướng dẫn thi.

 

2. Tổ chức thi tại địa phương (tỉnh/thành phố), với sự phân cấp trách nhiệm thích hợp giữa Bộ GD và ÐT; các bộ, ngành có trường ÐH, CÐ, TCCN; các bộ, ngành bảo đảm điều kiện cho kỳ thi (công an, điện lực, bưu chính - viễn thông...); sự phối hợp chặt chẽ giữa các UBND tỉnh, thành phố với các trường ÐH, CÐ, TCCN trong việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức kỳ thi.

 

3. Tăng cường lực lượng huy động từ các trường ÐH, CÐ, TCCN (khoảng 8.000 người) làm công tác thanh tra, giám sát ở các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt là trong khâu coi thi. Số người mỗi trường huy động tỷ lệ với chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

 

4. Cơ bản chuyển việc ra đề thi từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm (khách quan) đối với các môn thi, trừ môn ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm; từng bước nâng cao chất lượng đề thi (trắc nghiệm, tự luận) bảo đảm cho đề thi vừa đánh giá được đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa có khả năng phân hóa cao, tuyển chọn được người có năng lực thích hợp vào học trường ÐH, CÐ, TCCN. Áp dụng các phương pháp phân tích hiện đại để tăng cường tính tương đương của các đề thi; trên cơ sở đó tiến tới dùng các đề thi tương đương để tổ chức thi theo vùng, ở các thời điểm khác nhau.

 

5. Thực hiện chấm thi trắc nghiệm bằng máy và công cụ tin học.

 

6. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong quy trình tổ chức thi: đăng ký dự thi, quản lý thí sinh, tổ chức coi thi, chấm thi, xử lý kết quả thi; xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh; công khai trên mạng internet kết quả thi, kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh của từng thí sinh; bảo đảm sự minh bạch về thông tin, dữ liệu của kỳ thi.

 

7. Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D) sang việc xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi và một số yêu cầu khác, nếu có, cần cho đầu vào từng ngành đào tạo.

  

Mai Minh - Nguyễn Hùng