Muốn đào tạo ngành Y, trường phải gắn với người bệnh

(Dân trí) - GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, các trường ĐH ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến người bệnh. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng (ảnh) chia sẻ với phóng viên Dân trí quan điểm về việc các trường ngoài công lập tham gia đào tạo mã ngành y dược.

Muốn đào tạo ngành Y, trường phải gắn với người bệnh - 1

Đào tạo y khoa phải gắn sinh viên với người bệnh!

Thưa GS, mới đây Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cấp phép thêm cho một trường dân lập tham gia đào tạo mã ngành bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, nhu cầu về số lượng cán bộ y tế là cần thiết bởi nhân lực y tế đang rất thiếu, nhất là cán bộ giỏi, chuyên môn cao. Việt Nam mới có 7,5 bác sĩ/1 vạn dân, con số này thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc khuyến khích các cơ sở tiến hành vấn đề đào tạo, tham gia đào tạo cho ngành y tế là cần thiết, đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước.

Tuy vậy, vấn đề đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt là đào tạo đội ngũ thầy thuốc, bác sĩ, điều dưỡng thì cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí đặc biệt. Bởi vì sau này khi ra trường người ta thực hiện các công việc trên con người, thao tác trên con người, liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, do đó nó khác hẳn với nghề nghiệp khác.

Quan điểm của cá nhân tôi, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, các loại hình đào tạo khác như nữ hộ sinh, điều quan trọng nhất ngay từ khi bước vào trường người sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Nghề nghiệp ấy chính là phục vụ bệnh nhân.

Cho nên ngay từ ngày đầu bước chân vào ngành y, tất cả mọi sinh viên trong lĩnh vực y phải gắn bó với người bệnh. Gắn bó ở đâu? Chính là môi trường bệnh viện, nơi những người bệnh đang chịu đau đớn và người ta cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên, tiêu chí đầu tiên trong đào tạo nhân lực y tế là gắn với người bệnh.

Như GS chia sẻ, với đào tạo nhân lực ngành y tế, việc gắn bó sinh viên với người bệnh là vô cùng quan trọng. Vậy GS nhìn nhận như thế nào về việc đào tạo y khoa của các trường dân lập, khi họ chưa có “sân sau” là các bệnh viện công lập, nơi mà sinh viên y khoa các trường công lập được thực hành, được thầy giáo là các bác sĩ lâm sàng vừa dạy lý thuyết trên giảng đường, vừa cầm tay chỉ việc khi học tập tại bệnh viện?

Tôi cho rằng, các trường ngoài công lập, công lập có được đào tạo được ngành y dược hay không phải xét đến tiêu chí này. Còn nếu như coi thường việc gắn với người bệnh và chỉ nghĩ đến đào tạo lý thuyết hoặc đào tạo những kiến thức mang tính hàn lâm, theo tôi chưa đủ để trở thành nơi đào tạo y. Môi trường gắn liền với bệnh viện họ có thể tạo ra bằng liên kết, nhưng nó phải có kinh nghiệm và truyền thống, chứ không phải ngày một ngày hai làm được điều này.

Khó “thắt chặt” đầu ra do cơ chế thị trường!

Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về quan điểm mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra của sinh viên y khoa sẽ đảm bảo được chất lượng bác sĩ?

Nếu nói rằng, mở rộng đầu vào thắt chặt đầu ra, tôi cho rằng đó là giải pháp chưa hoàn hảo. Trước hết, những người làm công tác y cần được tuyển chọn theo một tiêu chí nhất định chứ không tuyển chọn chung chung. Thậm chí ở nhiều nước, họ đặt ra tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe.

Trước đây,  ngành quân y Việt Nam tiến hành tuyển chọn bác sĩ quân y cùng khắt khe. Bản thân tôi là giáo viên của Học viện quân y đã đi đến từng nhà các cháu có nguyện vọng thi vào quân y để kiểm tra về mặt nhân thân, mặt đạo đức. Không chỉ kiểm tra trực tiếp cháu, mà còn phải nghe ngóng cả hàng xóm, gia đình, nghe các thầy dạy các cháu đánh giá. Trên cơ sở ấy, giáo viên chúng tôi phải bảo lãnh các cháu mới thi được vào ngành quân y. Như thế, công tác tuyển chọn đầu vào hết sức cần thiết.

Tôi thử hỏi, nếu tuyển một thanh niên trước đây đã đánh bạn què tay vào ngành y, liệu người ấy sau này có đủ đạo đức để thương yêu, phục vụ người bệnh hay không? Tính cách, đạo đức là vô cùng quan trọng.

Hơn nữa, nghề y là một nghề thực hành nên cần phải có năng khiếu và tay nghề. Trên thực tế, có người không thể mổ, có người không làm được công tác trong các labo. Vì thế, việc tuyển chọn rất quan trọng.

Hơn nữa phải nhớ, trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta lại cứ tưởng rằng ra trường mới thắt chặt đầu ra là một điều rất khó. Tôi không tin rằng, mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra là một giải pháp thành công.

Có ý kiến cho rằng, chỉ cần đủ các tiêu chí là có thể mở ngành đào tạo y dược bởi người đào tạo cũng là những nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sinh học. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, đối với đội ngũ thầy giáo, nhất là trong đào tạo y dược phải là có truyền thống, kinh nghiệm. Bởi ngoài kiến thức, nhiệt huyết còn phải có phương pháp giảng dạy. Tôi xin ví dụ, nhiều người nói y học cũng sẽ cần những khoa học cơ sở như hóa học, lý học, toán học, vì vậy có thể dạy nó dễ dàng tại các trường đại học tổng hợp?  Sự thật không phải vậy. Ngay từ những ngày đầu, các sinh viên y đã phải kết hợp với các kiến thức khoa học liên quan đến các kiến thức y học sau này của họ.

Chẳng hạn ở khoa sinh học, người ta cũng dạy về chu trình Krebs - đó là một kiến thức chung cho người làm sinh học. Nhưng với sinh viên y, thầy dạy phải truyền tải để sinh viên có ý thức liên hệ chu trình Krebs với nhiều bệnh chuyển hóa di truyền, như bệnh đái tháo đường - một bệnh rất phổ biến hiện nay.

Cho nên, đừng nên nghĩ rằng bất cứ thầy nào giỏi về vấn đề khoa học tự nhiên là có thể dạy được những kiến thức khoa học cơ bản cho sinh viên y khoa.

Cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực ngành y cũng đòi hỏi những điều đặc biệt. Ngành y có điều đặc biệt, gắn với sự sống và sự chết. Sinh viên y phải được đào tạo để biết cấu tạo cơ thể con người. Nếu như sinh viên chỉ tiếp xúc với các mô hình giảng dạy bằng học cụ nhân tạo mà không tiếp xúc với bệnh nhân, với xác bệnh nhân, tham gia vào những cuộc khám nghiệm tử thi thì khó lòng có được cái tâm do những người thầy vĩ đại nhất của sinh viên y khoa - đó là những bệnh nhân đã dạy họ. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cần khuyến khích việc đào tạo nhưng đào tạo y cần phải được xem xét một cách cẩn thận.

Xin cảm ơn GS!

Hồng Hải (thực hiện)