Năm 2006, tăng chỉ tiêu đào tạo cử tuyển

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng chỉ tiêu hệ đào tạo cử tuyển là 2.560 học sinh, hệ dự bị đại học là 2.710 học sinh, đến năm 2010 mỗi hệ có 3.000 học sinh để đào tạo, cung cấp cán bộ cho địa phương vùng khó khăn. Mở rộng vùng tuyển và đối tượng cử tuyển tại các vùng, miền.

Tại Hội nghị tổng kết chế độ cử tuyển sáng nay 20/01 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm thẳng thắn thừa nhận rằng, 15 năm qua, trong công tác cử tuyển, chúng ta vẫn còn những thiếu sót và tồn tại như lãnh đạo nhiều địa phương chưa nhận thức sâu sắc chế độ cử tuyển là cơ hội rất tốt để tranh thủ đào tạo cán bộ công chức là người địa phương cho địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

 

Do đó, nhiều nơi còn lúng túng bị động trong việc bố trí, sử dụng cán bộ với nhiều lý do khi thì thiếu biên chế, khi thì không phù hợp ngành nghề... làm cho việc đào tạo và sử dụng cán bộ kém hiệu quả.

 

Một số cán bộ chưa nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cử tuyển nên đã có những hành vi tiêu cực trong tuyển chọn và bố trí, sử dụng cán bộ. Chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên hệ cử tuyển chưa được điều chỉnh kịp thời...

 

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đề nghị, Bộ GD- ĐT phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ cử tuyển, trong đó cần: Đổi mới cơ chế giao chỉ tiêu gắn với giao kinh phí đầu tư cho các địa phương.

 

Phân định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố về việc lập kế hoạch đào tạo cán bộ, trong đó số lượng, ngành nghề, trình độ đào tạo, tiêu chuẩn, đối tượng tuyển chọn; bố trí sử dụng sau khi tốt nghiệp. Chú trọng khâu đào tạo nguồn tuyển chọn, đặc biệt là đối với các dân tộc ít hoặc chưa có cán bộ được đào tạo qua trường lớp. Điều chỉnh, chế độ, chính sách học bổng, trợ cấp xã hội cho học sinh cử tuyển và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường nhất là các trường dân tộc nội trú, các trường dự bị đại học.

 

Minh - Hạnh