Năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực trên toàn quốc

(Dân trí) - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2017 tiếp tục triển khai phương thức thức thi Đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy cho ĐHQGHN và gần 20 đơn vị ngoài với quy mô mở rộng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2016 và phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2017, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua 2 năm triển khai phương thức thi mới, kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN đã nhận được sự quan tâm của thí sinh và được xã hội ghi nhận. Công tác tuyển sinh năm 2016 cho thấy, trình độ, năng lực kiểm tra, đánh giá và năng lực tổ chức của ĐHQGHN đã gia tăng không ngừng và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Về phương hướng tuyển sinh năm 2017 của ĐHQGHN, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Tiếp tục triển khai phương thức thức thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 cho ĐHQGHN và gần 20 đơn vị ngoài ĐHQGHN với quy mô mở rộng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.


			Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho công tác tuyển sinh năm 2017 thông qua việc rà soát, bổ sung số lượng, chất lượng câu hỏi của ngân hàng đề thi; gia tăng tính chất đánh giá năng lực của bộ đề và tăng cường yếu tố bảo mật đề thi; tiếp tục hoàn thiện các phần mềm cho việc thi và xét tuyển theo hướng phục vụ, sử dụng tốt nhất cho đội ngũ tổ chức thi và thí sinh.

Theo đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy trình phối hợp tổ chức thi cho các đơn vị, đối tác trong và ngoài ĐHQGHN với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm nay để công tác tổ chức thi ngày càng chính quy, bài bản hơn.

"Với trách nhiệm xã hội và kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi ĐGNL phục vụ xét tuyển đại học chính quy trong 2 năm vừa qua, ĐHQGHN sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị ngoài ĐHQGHN có mong muốn sử dụng kết quả tuyển sinh của ĐHQGHN"- Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Tại hội nghị, TS. Trần Duy Kiều – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một trong nhiều trường phối hợp cùng ĐHQGHN tổ chức thi và xét tuyển đại học chính quy năm 2016 theo phương thức ĐGNL cho rằng, các đơn vị, các bộ phận thuộc Ban Chỉ đạo thi và xét tuyển đã phối hợp nhịp nhàng trong các khâu, phát huy hiệu quả tối đa của kỳ tuyển sinh. Đặc biệt, trường đại học này cũng đã sử dụng và sẽ tiếp tục sử kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh một số lượng thí sinh nhất định vào học tại Trường.

Khẳng định sẽ tiếp tục tham gia kỳ tuyển sinh theo phương thức ĐGNL của ĐHQGHN trong những năm tiếp theo, TS. Đặng Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đánh giá: “Kỳ thi hết sức khách quan, thí sinh biết kết quả ngay sau khi thi, đồng thời kết quả này đánh giá thực chất khả năng, năng lực của thí sinh”.

Trong khi đó, TS. Đặng Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chia sẻ, thông qua kỳ thi ĐGNL, cán bộ Nhà trường đã có cơ hội nâng cao năng lực trong quá trình tổ chức thi, cùng với đó Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với ĐHQGHN trong việc hoàn thiện phần mềm xét tuyển để có sự chuẩn bị tốt hơn trong công tác tuyển sinh năm 2017.

Được biết, năm 2016, kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH QGHN có thêm 08 trường ngoài cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển gồm: Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Thủ Đô, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Đông Á Đà Nẵng và Trường ĐH Hòa Bình.

Qua thống kê và phân tích dữ liệu điểm thi của thí sinh qua hai bài thi ĐGNL ngoại ngữ và ĐGNL chung cho thấy, tỷ lệ thí sinh đạt từ 40/80 điểm trở lên đối với bài thi ĐGNL ngoại ngữ đạt 74,4%; tỷ lệ thí sinh đạt từ 70/140 điểm trở lên đối với bài thi ĐGNL chung đạt 64.8%.

Kết quả tuyển sinh năm 2016 cho thấy các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt, qua đó thấy được sức thu hút của các ngành theo nhu cầu xã hội. Kết quả này đạt được mục tiêu về chỉ tiêu tuyển sinh và chất lượng đầu vào. Quá trình xét tuyển được thực hiện công khai, minh bạch, có kiểm soát. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng đề án và phương thức tuyển sinh phù hợp cho năm 2017, hướng tới giá trị cốt lõi đào tạo chất lượng cao của ĐHQGHN.

Hồng Hạnh