Nam Định quyết “hội nhập” để nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh

Tại Hội thảo với chủ đề “Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định”, Ông Cao Xuân Hùng – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định bày tỏ: “Nam Định quyết tâm tạo ra những biến chuyển trong việc dạy và học tiếng Anh, đưa chương trình hợp tác giảng dạy tiếng Anh vào nhà trường”

Ông Hùng cũng khẳng định, Sở GD-ĐT sẽ hướng đến việc hợp tác với đối tác có chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.

Tìm hướng để đổi mới dạy tiếng Anh

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, vừa qua, SGD-ĐT Nam Định phối hợp cùng Trung tâm Ngoại ngữ E-connect và một số trung tâm ngoại ngữ khác tổ chức Hội thảo với chủ đề Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người làm quản lý giáo dục về tầm quan trọng của việc quản lý và học tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đáp ứng yêu cầu của hội nhập vì tương lai của học sinh Việt Nam và tìm hiểu những khó khăn, bất cập khi thực hiện Đề án liên kết đào tạo tiếng Anh có yếu tố nước ngoài tại các nhà trường, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các giải pháp tháo gỡ để đưa tiếng Anh có yếu tố nước ngoài vào các trường học tại tỉnh Nam Định.

Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Tại hội thảo, ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc học tiếng Anh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa tiếng Anh vào trường học với học sinh nói riêng và tương lai đất nước nói chung trước ngưỡng cửa hội nhập toàn cầu.

Vừa rồi có chuyện một resort có sân golf ở phía Nam tuyển người Philipines vào làm việc mà không tuyển người Việt. Lý do ở đây là do người Philipines nói được tiếng Anh, còn người Việt ta thì không. Cách đây 25 năm, sinh viên tiếng Nga ở Nam Định nhanh chóng chuyển sang học tiếng Anh và đến bây giờ hầu hết đều có công việc khá ổn. Nếu các gia đình bắt tay vào cho con cái học tiếng Anh từ bây giờ thì 20 năm nữa chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng cao hơn, ít nhấtở chỗ nói được tiếng Anh. Trong quá trình học tiếng Anh đó, người ta sẽ còn học được nhiều thứ nữa” – ông Bạch Ngọc Chiến nói về tâm quan trọng trong việc học tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trưởng THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa – Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trưởng THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa – Hà Nội).

Từng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình trường THPT chất lượng cao của Hà Nội và mạnh dạn đưa thử nghiệm chương trình dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, cô Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng trưởng THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 5 năm, Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa đã thử nghiệm đưa chương trình dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài vào trường học nhưng thử nghiệm đã thất bại do số lượng học sinh đăng ký không nhiều và chương trình không được như cam kết của trung tâm đối tác. Không đầu hàng trước thất bại đó, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy, cô giáo đã mạnh dạn thay đổi phương pháp, cách thức dạy và học tiếng Anh cho các em học sinh

Cũng theo cô Nhiếp, từ năm học 2013 – 2014, Trường THPT Phan Huy Chú đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ E-connect xây dựng và triển khai Đề án tăng cường Tiếng Anh cho học sinh bằng việc tổ chức học Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, đưa giờ học tiếng Anh tự nguyện thành chính khóa. Qua hai năm học, nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá cao của phụ huynh và học sinh.

Sẵn sàng đưa giáo viên bản ngữ về “giúp” Nam Định

Thạc sỹ Hoàng Bích Thủy – Giám Trung tâm Ngoại ngữ E-connect cho biết: Sau cuộc hội thảo, Sở GD-ĐT Nam Định cũng đã có buổi trao đổi và mong muốn sẽ có một trung tâm uy tín có sự tham gia của giáo viên bản ngữ để giúp Nam Định nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh.

Trên cơ sở đề nghị đó, Trung tâm Ngoại ngữ E-connect quyết định chọn Nam Định là chi nhánh giáo dục đầu tiên của mình vì Thành Nam vốn nổi tiếng là vùng đất học có truyền thống khoa bảng trong lịch sử dân tộc Việt. Đây cũng là quê hương của nhiều trí thức, học giả nổi tiếng như đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Thọ và rất nhiều danh nhân nổi tiếng khác... Cho đến ngày nay, Nam Định vẫn được mệnh danh là lò đào tạo nhân tài cho đất nước, mà một trong những cơ sở đào tạo nổi tiếng của tỉnh và trong cả nước đó chính là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Lễ ra mắt 

Lễ ra mắt Trung tâm Ngoại ngữ E-connect ở Nam Định 

Với tất cả tâm huyết, sứ mệnh và tầm nhìn của mình, E-connect đã, đang và sẽ góp phần tạo ra một thế hệ học sinh các cấp với tư duy năng động, tự tin trong giao tiếp thông qua hành trang ngoại ngữ. Đây là sẽ là chìa khóa quan trọng để các em mở cánh cửa tương lai cho chính mình” - Thạc sỹ Hoàng Bích Thủy bày tỏ.

Cũng theo bà Thủy, với việc khai trương chi nhánh mới, thông qua sự đầu tư chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hoàn thiện, E-connect đã thể hiện cam kết và quyết tâm trong việc nâng cao khả năng nghe - nói tiếng Anh cho học sinh. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của E-connect mà còn là tâm huyết của tất cả những người làm giáo dục đến từ E-connect.