Năm học tới, các trường đại học sẽ không còn "êm ả”

(Dân trí) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2009-2010 tổ chức chiều14/11 tại 5 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.

 
Năm học tới, các trường đại học sẽ không còn "êm ả”  - 1
Sinh viên đánh giá về giảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm học
 
Quyết liệt triệt khai đổi mới quản lý giáo dục

Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm nay tập trung vào chủ đề năm học là: “Đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Vì thế, từ bây giờ các trường đại học, cao đẳng sẽ phải đánh giá tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm; xây dựng chuẩn đầu ra để đến năm 2010 thực hiện công bố chuẩn đầu ra. Tăng cường quản lí giảng dạy, học tập, thi cử. Đặc biệt là đánh giá trung thực mức độ tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp ở mỗi trường từ đó, vận động toàn trường chấm dứt tiêu cực trong thi cử và làm luận văn tốt nghiệp.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng hứa thực hiện một loạt các nhiệm vụ trong năm 2010: sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động nhà trường; quy định về phối hợp phân cấp quản lý, Bộ sẽ giao cho địa phương giám sát hoạt động của các trường ĐH;  thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển của trường, thực hiện 3 công khai, thực hiện tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương gắn với hiệu quả đóng góp, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà trường; kiểm tra thực hiện 3 công khai trong toàn quốc, gắn với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 và các năm sau; hoàn thiện quy định về Hội đồng trường; xây dựng quy định về hoàn thiện việc đánh giá quản lý giáo dục đại học là sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên tham gia đánh giá hoạt động lãnh đạo trường, các ĐH, CĐ tham gia đánh giá chỉ đạo quản lý của Bộ GD&ĐT...
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục khẳng định: “Không thể tiếp tục quản lý hệ thống giáo dục đại học với quy mô phát triển nhưng chất lượng không đồng bộ, có phần buông lơi. Trong năm học này, biện pháp đầu tiên là từng trường sẽ triển khai trong học kỳ 1 sinh hoạt rộng rãi quanh chủ đề làm thế nào chúng ta đáp ứng nhu cầu của xã hội cả về quy mô và cả về chất lượng. Xác định mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp vào phát triển giáo dục chứ không chỉ có Bộ GD-ĐT.

Ngay từ đầu năm học, các trường phải tạo động lực cho phát triển, bằng việc triển khai 3 công khai, triển khai rộng rãi sinh viên đánh giá giảng viên, cán bộ công nhân viên sinh viên nhà trường tham gia quản lý nhà trường, các trường ĐH đánh giá sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT hàng năm”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: “Các trường cần tập trung hướng dẫn xây dựng chuẩn sinh viên tốt nghiệp và triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó là triển khai từng bước chuẩn hóa đầu vào, quá trình quản lý trong hệ thống giáo dục. Với những biện pháp được triển khai đồng bộ, sắp tới hoạt động của các trường đại học sẽ không “êm ả” như trước nữa”.

Có chế tài đối với việc sinh viên đánh giá giảng viên

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học mới, nhiều đại biểu đã kiến nghị với Bộ cần thay đổi và ban hành mới nhiều quy định. Ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã nêu một số khó khăn khi đảm bảo chuẩn đầu ra là quy định về cấu trúc và phuơng pháp giảng dạy và cách học của sinh viên.
 
Đối với sinh viên, ông Cần cho biết trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên rất thấp. Khảo sát của nhà trường cho thấy chỉ có 10% sinh viên đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ đầu ra nếu học theo phương pháp và thời lượng như hiện nay. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có biện pháp hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện quy định này.

Về học phí, ông Cần đề nghị Bộ không chỉ thay đổi về khung học phí mà Bộ cần thay đổi đề án sinh viên được hưởng chính sách xã hội vì nhà trường phải gánh miễn giảm chế độ chính sách cho sinh viên quá nhiều. Ví dụ, năm học vừa qua trường có tới 4.500 sinh viên nhận chế độ hưởng chính sách, gánh nặng quá sức của trường. Chúng ta không có chất lượng giáo dục cao với mức chi phí hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ đang soạn thảo cơ chế, để tiến tới Nhà nước sẽ cho toàn bộ học phí cho SV diện chính sách. Từ đó, giảm bớt gánh nặng chi phí cho trường, để các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Về vấn đề sinh viên đánh giá giảng viên, ông Ngô Đắc Chứng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng: “Đây là vấn đề khá mới mẻ. Chúng tôi cũng đã thực hiện khảo sát vấn đề này nhưng không công khai trước toàn sinh viên về kết quả đánh giá giảng viên mà chúng tôi chỉ công khai trong lãnh đạo và giảng viên trong trường và hiệu quả của việc khảo sát này lại không cao. Để công khai trước sinh viên, chúng tôi mong muốn Bộ có chế tài để xử lý nào đó áp dụng với việc này để việc đánh giá này có hiệu quả hơn”.

 Hồng Hạnh