Nạn đạo văn trên học đường quốc tế

Nếu như ở Việt Nam chuyện học sinh, sinh viên quay cóp trong giờ thi đã và đang làm đau đầu các thầy cô thì ở giảng đường quốc tế, đạo văn (plagiarism) cũng là một vấn nạn nhức nhối không kém.

Cuối tháng 3 vừa qua, đồng loạt các tờ báo như Guardian (London), Daily Telegraph (Úc) đăng tải những tin tức về xì-căng-đan hơn 200 sinh viên đạo văn bị phát hiện tại trường ĐH danh tiếng bậc nhất nước Úc - Sydney University. 

 

Đặc biệt khoa thú y, chỉ một môn chăn nuôi đã phát hiện ra 73 sinh viên có dấu hiệu sao chép bài vở từ các nguồn khác.

 

Tại Scotland, tờ Daily Mail thống kê được rằng trong vòng một năm có hơn 1.000 trường hợp đạo văn bị phát hiện tại 59 trường ĐH và CĐ.

 

Còn ở Duke University (top 10 ĐH Mỹ) thì 80% sinh viên thừa nhận mình đã gian lận ít nhất 1 lần.

  

Nếu như ở Việt Nam điểm số và sự đậu rớt của mỗi sinh viên phụ thuộc phần lớn vào thi cử kiểm tra trên lớp thì ở nước ngoài các luận văn, tiểu luận, nghiên cứu (research) làm tại nhà lại đóng vai trò quyết định. Các giáo sư cho rằng muốn biết rõ khả năng của một sinh viên không gì chính xác bằng đọc bài viết của sinh viên đó. Nhưng muốn viết được một bài luận, bài nghiên cứu tốt thì phải đọc rất nhiều tài liệu. Nếu bạn chép tài liệu mà không nêu rõ nguồn gốc, bạn tải về một bài viết nào đó từ Internet và đem nộp thì tức là bạn đã đạo văn và tội này có thể dẫn tới bị cảnh cáo hoặc đuổi học.  

 

Vậy thì tại sao vẫn có rất nhiều sinh viên “chấp nhận rủi ro” để gian lận trong học tập như vậy? Sinh viên đổ lỗi cho hàng núi bài tập. Trong khi đó, các nhà giáo dục lại cho rằng... Internet là nguồn gốc của tội lỗi. Vì sao vậy?  

 

Internet là một cái kho thông tin khổng lồ. “Quyến rũ” hơn có những trang như 123helpme.com cung cấp luận văn miễn phí, chỉ lấy tiền những bài luận chất lượng cao mà thôi. Hay như schoolsucks.com, trang web sẽ gửi cho bạn chính xác bài viết mà bạn đang cần, với giá 30 USD, giao "hàng" trong ngày.  

 

Tinh vi hơn, nhiều sinh viên không mua bài mà copy từ website này một ít, website kia một ít rồi kết hợp thành bài của mình. Quả thật, xa lộ thông tin đã góp phần làm cho việc học chỉ đơn giản là “cut và paste”.  

 

Để đối phó với nạn đạo văn, hiện nay 4.000 trường ĐH tại 60 quốc gia đang sử dụng chương trình Turnitin cung cấp tại website Turnitin.com. Khi các giáo sư đưa bài của sinh viên vào Turnitin, chương trình này sẽ tự động đối chiếu bài viết với 6 tỉ trang dữ liệu có sẵn, gạch dưới hoặc tô màu tất cả những đoạn giống nhau và trả lại bài cho thầy cô trong vòng 24 giờ. Sáu tỉ trang này gồm các website, các loại sách báo, tạp chí cũng như tất cả các bài viết của sinh viên đã từng được kiểm tra bằng chương trình này trước đây. 

 

Ở trường ĐH mà tôi đang theo học, các sinh viên năm 1 đều phải học lớp Composition (dạy các kỹ năng viết), trong đó các giáo viên đặc biệt chú ý dạy cho sinh viên thế nào là đạo văn, làm cách nào để tránh nó, kỹ năng trích dẫn tư liệu, đặc biệt là truyền cho chúng tôi niềm đam mê viết bằng những bài tập viết về chính mình... 

 

Nguyễn Thị Khánh Ngọc
Sinh viên Khoa Truyền thông Đại chúng-Webster University Thailand 

Theo Người lao động