Thanh Hóa:

Nan giải “bài toán” hàng chục giáo viên xin chuyển trường đầu năm học mới

(Dân trí) - Gần đây, việc hơn 60 giáo viên tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) có đơn xin chuyển trường ngay trước thềm năm học mới đã đặt ra “bài toán” khó cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa trong việc giải quyết vấn đề này.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa chia sẻ, đối với những giáo viên (GV) công tác 10 năm trở lên, cũng nên xem xét để GV có cuộc sống ổn định và yên tâm công tác. Tuy nhiên, điều đó phải căn cứ vào nhu cầu ở các đơn vị, trường học miền xuôi. Vấn đề này cần phải xây dựng kế hoạch, có phương án cụ thể.

“Đối với ngành giáo dục, đây cũng là một bài toán đặt ra để giải quyết những khó khăn cho GV. Để GV công tác lâu năm ở miền núi, đi về như thế cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình và dạy học”, bà Hằng chia sẻ.

Điều kiện sống của giáo viên miền núi còn nhiều khó khăn
Điều kiện sống của giáo viên miền núi còn nhiều khó khăn

Vấn đề nêu trên không chỉ tại huyện Mường Lát mà các huyện miền núi cao khác của tỉnh Thanh Hóa. Nhưng, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, muốn giải quyết vấn đề này cần phải có sự khảo sát lại, các địa phương báo cáo số lượng và nhu cầu của các huyện miền xuôi, nếu đáp ứng được mới có thể bố trí, sắp xếp.

“Không thể muốn chuyển đi đâu cũng được, phải có kế hoạch và có rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu. Phải báo cáo UBND tỉnh, ngành chức năng phải có kế hoạch, cân đối. Đây cũng là cơ hội để giải quyết cho GV”, bà Hằng đánh giá.

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa, muốn giải quyết vấn đề này cần phải tính toán định mức GV, môn học, nhà trường phải đáp ứng được mà không phải hợp đồng thêm. Đối với những môn học chỉ có một GV thì không thể chuyển đi. Hơn nữa, các GV miền xuôi phải có sự chia sẻ, gánh vác khó khăn cùng với GV miền núi.

Theo bà Phạm Thị Hằng, đến thời điểm này, Sở GD-ĐT chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhưng về tham mưu, ngành giáo dục sẽ có ý kiến với UBND tỉnh. Đó là giải pháp lâu dài. Còn trước mắt, sắp bước vào năm học mới, địa phương và các ngành cần đảm bảo tính ổn định, đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo GV cho các nhà trường.

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay huyện Mường Lát đang báo cáo UBND tỉnh, Sở đang chờ có chỉ đạo của tỉnh. Chắc UBND tỉnh cũng giao cho Sở Nội vụ, Giáo dục cùng với Mường Lát bàn cách xử lý. Nếu huyện có nguồn thì họ tuyển để thay thế được số đó thì họ cũng sẽ đồng ý”.

Ông Tùng đánh giá, với một số lượng lớn GV xin chuyển đi, trong khi năm học mới đã bắt đầu thì phải có thời gian.

“Đó là nguyện vọng của GV, còn tiếp nhận thì hiện nay các huyện cũng khó khăn vì cơ bản chỉ có Mầm non và Tiểu học thiếu, còn THCS cơ bản huyện nào cũng thừa. Có những trường có hơn 50% số lượng GV xin đi sẽ rất khó khăn. Đến thời điểm này, Sở chưa nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Tùng cho biết thêm.

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, năm 2017, biên chế sự nghiệp giáo dục huyện Mường Lát được giao 781 người. Cụ thể: Mầm non: 176 người, Tiểu học 386 người, THCS: 207, Trung tâm Giáo dục thường xuyên: 7, Trung tâm dạy nghề: 5 người.

Thực tế, số lượng cán bộ viên chức sự nghiệp giáo dục của huyện Mường Lát đến thời điểm 30/7/2017 là 732 người, thiếu so với biên chế được giao 49 người.

Nếu trường hợp cả 62 cán bộ GV được tiếp nhận về các các huyện, thị thì huyện Mường Lát sẽ thiếu hơn 100 GV, nhân viên
Nếu trường hợp cả 62 cán bộ GV được tiếp nhận về các các huyện, thị thì huyện Mường Lát sẽ thiếu hơn 100 GV, nhân viên

Cụ thể: Mầm non có 171 biên chế, thiếu 5; Tiểu học có 356 biến chế, thiếu 30 biên chế; THCS có 194 biên chế, thiếu 13 biên chế; Trung tâm Giáo dục thường xuyên có 6 thiếu 1 biên chế.

Hiện nay huyện Mường Lát nhận được 62 đơn xin chuyển công tác về các huyện, thị trong tỉnh Thanh Hóa (1 GV đã xin rút đơn). Nếu trường hợp cả 62 cán bộ GV được tiếp nhận về các các huyện, thị thì huyện Mường Lát sẽ thiếu hơn 100 GV, nhân viên.

Tuy nhiên, hầu hết số GV có đơn xin chuyển đều có lý do muốn hợp thức hóa gia đình, do gia đình neo người, con nhỏ, sức khỏe và có thời gian công tác lâu năm tại huyện Mường Lát. Có những trường hợp GV công tác trên 10 năm.

Việc hơn 60 GV có đơn xin chuyển trường đã đặt ra một “bài toán” khó không chỉ với chính quyền địa phương mà các ngành chức năng khi năm học đã cận kề. Hiện, UBND huyện Mường Lát đang báo cáo và trông chờ vào chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như các ngành chức năng có liên quan.

Duy Tuyên