“Nên công nhận mô hình giáo dục tại nhà”

(Dân trí) - Ủng hộ mô hình giáo dục tại nhà (Homeschooling), ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM) mong muốn Bộ GD-ĐT công nhận homeschooling và thành lập bộ phận này ở các Phòng, Sở, Bộ. Tuy nhiên, bà cũng không đồng tình phụ huynh việc “nổi cáu” với giáo dục công, đưa con về nhà dạy mà không suy tính.

Về trường hợp hai đứa trẻ ở TPHCM không đến trường mà học tại nhà và có thành tích tốt được nhắc đến gần đây, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng các chuyên gia hoặc các cha mẹ đừng vội vàng nhận định một xu hướng chỉ qua một vài trường hợp. “Chúng ta không nên đánh giá hai em theo chủ quan của mình. Đó là lựa chọn riêng của gia đình họ”, cô Huyền nói.

Hai em anh Đặng Thái Anh và Đặng Nhật Anh ở TPHCM nghỉ học ở trường công, chọn hình thức học tại nhà
Hai em anh Đặng Thái Anh và Đặng Nhật Anh ở TPHCM nghỉ học ở trường công, chọn hình thức học tại nhà

Ths Thu Huyền chia sẻ một số dữ liệu khảo sát tại Mỹ năm 2012 (tháng 11/2016 mới công bố báo cáo) thì có trên 1 triệu trẻ từ 5-17 tuổi được giáo dục tại nhà, chiếm 3,4% số trẻ trong độ tuổi.

Trong khảo sát với17.563 cha mẹ Mỹ về giáo dục tại nhà, lý do chọn homeschooling của phụ huynh Mỹ: Lo lắng về môi trường học không an toàn: 91%; muốn tập trung giáo dục đạo đức: 77%; không hài lòng phương pháp dạy ở trường: 74%; muốn dạy về tôn giáo nhiều hơn: 64%; trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt: 10%; trẻ có vấn đề thể chất, tinh thần: 15%; muốn dùng phương pháp mới dạy con: 44%.

Bà Huyền nêu quan điểm: “Homeschooling nên được thừa nhận như một bộ phận giáo dục. Được lựa chọn điều mà mình cho là tốt nhất cho mình chính là quyền con người. Đây cũng là lợi ích đầu tiên của homeschooling: cha mẹ và trẻ được lựa chọn học cái mình thích, theo cách mình muốn”.

Đặc biệt, theo bà Huyền, homeschooling có thể mang lại hiệu quả tốt hơn cho một số trẻ. Ví dụ như có trẻ bị áp lực từ trường học, không thích ứng được, được ở nhà học thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đây là một quyết định phải suy xét kỹ về rất nhiều yếu tố như trình độ, khả năng tài chính của phụ huynh cũng như kéo theo không ít vấn đề phát sinh.

Bà Huyền phân tích, cha mẹ phải có trình độ học vấn khá tốt để tự dạy hoặc hỗ trợ việc học của con. Học tại nhà các em sẽ học theo thời khóa biểu riêng, linh hoạt, học online nên cần có thói quen lẫn ý chí tự học thì mới hiệu quả. Nếu trẻ không có những yếu tố này thì khoan lôi con về nhà học.

Homeschooling đòi hỏi nguồn lực tài chính nhất định từ cha mẹ để mua chương trình, khóa học online, tài liệu, đưa con tham gia các hoạt động bổ trợ, thuê gia sư... Trong điều kiện Việt Nam, khi Homeschooling chưa được phê duyệt, cha mẹ nên cân nhắc đến việc nếu lựa chọn hình thức này hãy xác định là khi hết dạy được con thì phải đưa ra con ra nước ngoài học tiếp, không được bỏ cuộc giữa chừng.

Các khóa học online cho học sinh phổ thông bằng tiếng Việt là ít. Vì thế, phải học bằng ngoại ngữ, ở đây tiếng Anh là chủ yếu. Cha mẹ và con đều phải giỏi ngoại ngữ mới học được.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM), giáo dục tại nhà nên được thừa nhận như một bộ phận của hệ thống giáo dục
Theo ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TPHCM), giáo dục tại nhà nên được thừa nhận như một bộ phận của hệ thống giáo dục

Những lo ngại về giao tiếp xã hội của trẻ là có thật nhưng theo bà Huyền, nếu cha mẹ ý thức được để bổ sung thì đây là vấn đề có thể giải quyết.

Bà Huyền cũng chia sẻ về trường hợp cháu gái 14 tuổi của mình bị chứng khó đọc, giảm chú ý, tính cách dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè nên mẹ bé từng có ý định dạy con tại nhà. Nhưng sau đó chị đã phải đầu hàng vì không thu xếp được thời gian, chi phí cũng như không tự tin về mặt chuyên môn để soạn chương trình cho con.

Con của một người đồng nghiệp khác vì bệnh nên hơn một năm qua mới phải học tại nhà và sắp tới sẽ thi hết phổ thông. Ở nhà, cháu bé buồn nẫu ruột, còn cha mẹ rất tốn tiền cho gia sư.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền ủng hộ homeschooling được Bộ GD-ĐT công nhận và thành lập bộ phận này ở các Phòng, Sở, Bộ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh không ủng hộ cha mẹ nhìn vào một vài trường hợp thành công mà vội vàng, không suy tính đưa con mình về nhà dạy.

Bày Huyền bày tỏ: “Đừng nổi cáu với giáo dục công rồi cho con nghỉ ở nhà mà không tính các điều kiện để dạy trẻ tại nhà. Nếu điều kiện bản thân chưa đủ mà không hài lòng về trường học thì có thể chọn cách homeschooling một phần. Phụ huynh có thể dành nhiều thời gian hơn nữa đồng hành cùng con trong việc học, cùng con tìm kiếm cách thức phù hợp để việc học trở nên hạnh phúc hơn”.

Về khảo sát 2012 với 17.563 cha mẹ Mỹ về giáo dục tại nhà, ThS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ một số kết quả đáng chú ý:

-Trình độ cha mẹ homeschooling cho con: Dưới Phổ thông: 2%, Phổ thông: 23%, Đại học: 26%; Cao đẳng, nhhề: 32%, sau Đại học: 18%.

-Nguồn tài nguyên dạy của cha mẹ: None-retail Website: 77%, Các trang chuyên homeschool: 77%, Thư viện công cộng: 70%, Nhà sách: 69%, NXB: 53%, Các chương trình trường công và tư ít được tham khảo.

-1/4 trẻ được cha mẹ cho học một khóa chuẩn bị trước khi học tại nhà

-35% học sinh cấp 2, 33% học sinh cấp 3 có học các khóa online

- 83% học đại số cơ bản, 69% học khoa học trái đất, địa chất và sinh học, 34% học vật lý hoặc hóa học, 32% học khoa học máy tính.

Hoài Nam