Nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng"

(Dân trí) - Suốt mấy tháng qua, một đồng nghiệp của tôi luôn phàn nàn về việc cậu con trai duy nhất đi nghĩa vụ quân sự kêu khổ. Nó là con trai duy nhất trong nhà, được cưng chiều từ nhỏ, chưa biết làm việc gì lại vừa tốt nghiệp đại học. Bây giờ vào lính ngày nào cũng điện về kêu vất vả, luyện tập căng thẳng nên tuần nào anh cũng phải lên thăm và tiếp tế cho con.

Nhiều tuần, anh nhờ đồng nghiệp dạy giùm, xin nghỉ để lên với con bởi tối trước nó điện về kêu hết tiền, anh muốn lên thăm con và xin đơn vị cho về nhà mấy ngày cho nó đỡ vất vả. Anh em trong trường khuyên: Con đi nghĩa vụ thời bình, sau 18 tháng là xuất ngũ có gì mà cứ lo lắng vậy. Hãy để tự nó bươn chải cho nó tự trưởng thành. Núp bóng bố mẹ bao giờ mới nên người được. Hơn nữa, cha mẹ là đảng viên, là người thầy dạy học trò mà cứ như vậy thì nói ai nghe, ai tin mình nữa. Nhưng, tình thương con khiến anh rối lòng, gặp ai anh cũng than thở...

Từ câu chuyện của anh khiến chúng tôi lắc đầu ngao ngán. Thế hệ cha anh đã sẵn sàng xung phong vào mưa bom, bão đạn, sẵn sàng xung phong vào nơi hiểm nguy. Trong trường tôi cũng có nhiều giáo viên đã từng phục vụ trong quân đội và khi trở về họ vẫn thi, vẫn học, vẫn làm thầy có sao đâu. Thậm chí họ còn năng nổ, nhiệt tình và luôn phát huy phẩm chất người lính trong sinh hoạt và công tác. Bởi, họ đã được rèn luyện ý chí, lòng quyết tâm và bản chất của anh Bộ đội cụ Hồ, họ sẵn sàng đương đầu với khó khăn bằng lòng quyết tâm và ý chí tiến thủ rất cao.

Người lính - dù ở bất cứ thời đại nào cũng phải đối mặt với gian nan, vất vả và thử thách. Bởi đất nước, truyền thống dân tộc đã trao cho họ một sứ mệnh thiêng liêng được cầm súng để bảo vệ Tổ quốc. Một dân tộc anh hùng phải có nhiều anh hùng, phải có nhiều người dám xả thân vì sự nghiệp chung. Một đất nước hùng mạnh đòi hỏi nhiều người cùng chung tay góp sức. Chính sự chung tay vì đất nước ấy bắt đầu từ sự gương mẫu trong mỗi gia đình. Chúng ta thương yêu con, nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến đất nước. Chúng ta nghĩ hai năm đi lính, nếu con mình ở nhà sẽ làm ra nhiều tiền, lỡ hai năm là lỡ biết bao cơ hội nhưng chúng ta đã bao giờ nghĩ rằng đất nước mình cũng đang có hàng ngàn thanh niên ưu tú đang tòng quân sao?

Hơn nữa, khi con đã đủ lớn, đã trưởng thành thì hãy để con tự lập, tự thích ứng với môi trường sống. Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu trong môi trường quân đội là điều dễ hiểu đối với nhiều thanh niên đang quen sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ thời nay vẫn quan niệm "vào lính là khổ", đó là một sai lầm nghiêm trọng. Môi trường quân đội sẽ hun đúc cho con người niềm tin, sự đoàn kết yêu thương, lòng quyết chí để vươn lên và khẳng định mình trong tương lai.

Đất nước thời nào cũng cần sự hy sinh, dấn thân của tuổi trẻ. Vì vậy, những bậc làm cha làm mẹ không chỉ hướng con em mình vào tình yêu thương gia đình, lợi ích gia đình mà cao quý hơn nữa là tình yêu quê hương đất nước, chung tay việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, các em mới hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm, sự sẻ chia với cộng đồng và hướng tới những người chủ thực sự cho đất nước trong tương lai. Bởi một lẽ giản đơn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…?”.

Nguyễn Cao

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!