Nếu được chọn lựa, em sẽ không đi học

Đó là lời của Tiểu Châu, nam sinh đang học lớp 12 ở một trường THPT nội trú khu Tam Điện Tân Châu, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Trong thư gửi cho tòa soạn báo Vũ Hán Buổi Sáng, Tiểu Châu đã bày tỏ nỗi bức xúc của mình trước lịch học dày đặc, chương trình học quá nặng nề, khô khan. Xin giới thiệu cùng bạn đọc...

 

Trong thư Tiểu Châu tâm sự:

 

"Hè năm nay, chúng em được nghỉ vẻn vẹn có năm ngày là phải trở lại trường học để chuẩn bị cho chương trình học lớp 12. Mỗi tháng chúng em chỉ được nghỉ một ngày để về thăm nhà, chiều thứ bảy được nghỉ thì đến chiều chủ nhật phải trở lại trường để chuẩn bị cho giờ tự học buổi tối.

 

Một ngày của chúng em bắt đầu từ sáng sớm cho đến gần 11 giờ đêm mới được nghỉ ngơi. Chương trình học lại rất căng thẳng và khô khan. Mỗi tuần chúng em chỉ được học một giờ thể dục, còn lại phải nhồi nhét các môn khác như ngữ văn, Anh văn, vật lý... trong đó chỉ có môn Anh văn là học bài mới, còn lại các môn khác phải nhai đi nhai lại chương trình học từ lớp 10 nên chúng em rất nản.

 

Ngoài giờ học trên lớp, chúng em hết làm bài tập lại phải kiểm tra. Từ khi học hè đến nay được hơn bốn tháng, em đã phải làm hơn 375 trang bài tập của các môn học trên.

 

Chúng em không được quyền chọn lựa và quyết định cho việc học của mình, thậm chí giờ giải lao, giờ tự học chúng em còn bị lấy mất chỉ vì một lý do là phải học để thi đại học. Chúng em không có thời gian để chăm sóc bản thân mình nữa.

 

Chúng em muốn được giao lưu, kết bạn, muốn được thư giãn, muốn được nhảy múa, ca hát... nhưng đến cả những thú vui đáng lẽ ra là của chúng em thì lại bị cấm đoán. Thậm chí đến quyền đọc sách, báo để thư giãn cũng không có. Lúc nào chúng em cũng chỉ biết có học và học.

 

Em sinh ra ở nông thôn, cực khổ như thế nào cũng chịu được. Em không ghét chuyện học, nhưng em muốn học từ thực tế, tiếp xúc nhiều hơn với những sự việc ngoài xã hội. Em nghĩ thầy cô có thể làm được điều này cho chúng em.

 

Hằng ngày, ở trường chúng em phải nghe đi nghe lại chỉ một lời nhắc nhở đến phát ngấy "lên đại học đi rồi các em muốn làm gì cũng được, còn bây giờ các em chỉ cần học để biết "kiểm tra và thi cử" là đủ rồi". Nhưng có phải là khi lên đại học rồi chúng em muốn làm gì cũng được không, khi mới đây em nghe một người anh họ đã tốt nghiệp đại học và đi làm nói rằng "những gì học ở đại học không thể áp dụng vào thực tế được". Chúng em nên tin ai đây?

 

Nếu như em có quyền lựa chọn thì em xin sẽ không phải đi học nữa. Nhưng em không thể làm như vậy vì cả nhà em đang kỳ vọng rất nhiều vào em. Hai người chị của em đã phải nghỉ học và đi làm kiếm tiền để nuôi em ăn học, ba em cũng phải rời quê để lên thành phố làm công cũng chỉ vì sự học hành của em. Ông đã từng nói với em: "Ở nông thôn nếu không đi học thì chỉ có đi làm mướn mà thôi, con nhất định phải đậu đại học". Cả nhà đang đặt hết hi vọng vào em như vậy, nhưng nếu em không làm được thì sao?

 

Em không dám nói chuyện này với ba mẹ vì sợ họ lo lắng, em chỉ dám tâm sự với bạn học cùng lớp và tình cờ em biết được địa chỉ của tòa soạn, nên em viết thư này gửi đến tòa soạn với mong muốn hãy giúp người lớn hiểu chúng em hơn nữa".

 

Lời tâm sự của Tiểu Châu đã khiến bao người lớn phải giật mình suy nghĩ. Còn bao nhiêu Tiểu Châu nữa đang rơi vào hoàn cảnh này. Đây là một vấn đề nan giải mà ngành giáo dục cũng như các ngành liên quan đến vấn đề tâm sinh lý trẻ vị thành niên ở Trung Quốc đang gặp phải nhưng vẫn chưa giải quyết nổi, hậu quả của nó thật khôn lường.

 

Nhằm cải thiện tình trạng quá tải trong chương trình học cho học sinh, ngày 1/12 vừa qua, Sở Giáo dục thành phố Vũ Hán đã đưa ra một loạt qui định, bao gồm:

1. Nghiêm cấm giáo viên cho học sinh học trước giờ học và cho học sinh tan học quá trễ.

 2. Thời gian dạy học cho học sinh các cấp mỗi ngày không được vượt quá bảy giờ.

3. Tổng thời gian học của học sinh các cấp trong một tuần không được dao động quá 39 giờ.

4. Không cho bài tập vượt quá sức của học sinh (học sinh tiểu học không vượt quá 45 phút, học sinh trung học không vượt quá 1,5 giờ).

5. Hình thức ra bài tập phải đa dạng, có tính sinh động và tính thực tế cao.

6. Giáo viên không được mượn cớ cho bài tập về nhà để trừng phạt học sinh vì bất kỳ lý do gì.

7. Không được lạm dụng giờ nghỉ ngơi của học sinh nội trú để cho bài tập hoặc dạy bù.

8. Khi cho bài tập trong sách giáo khoa giáo viên phải hướng dẫn kỹ càng và sửa bài cho học sinh, không được đẩy trách nhiệm cho phụ huynh.

9. Đối với học sinh tiểu học chỉ tổ chức thi kiểm tra một lần trong một học kỳ hai môn toán và ngữ văn, thời gian kiểm tra không vượt quá 90 phút.

10. Đối với học sinh phổ thông cơ sở chỉ được tổ chức kiểm tra hai lần trong một học kỳ là kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ.

11. Không được tổ chức dạy bù và các lớp tự học cho học sinh chưa phải là lớp cuối cấp.

12. Nghiêm cấm dựa vào thành tích để xếp hạng học sinh nhằm tránh hiện tượng "bệnh thành  tích".

13. Nghiêm cấm việc lạm dụng in ấn giấy thi, đề thi.

14. Không được tổ chức các hoạt động thi đấu văn thể mỹ nếu chưa được Sở Giáo dục thành phố Vũ Hán phê chuẩn.

15. Không được căn cứ vào thành tích, thứ hạng mà học sinh đạt được trong các kỳ thi đấu để tuyển chọn hoặc xếp lớp cho học sinh.

16. Các đơn vị hay cá nhân trực thuộc ngành giáo dục không được tổ chức các kỳ thi vượt quá giới hạn khu vực hay vượt quá giới hạn trường học của mình trong thời gian học chính qui của học sinh.

17. Nghiêm cấm tổ chức thi xếp lớp với bất kỳ hình thức nào, không được tổ chức "lớp điểm, lớp giỏi" để cân bằng trình độ học sinh trong lớp học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục thành phố Vũ Hán cho biết đây là biện pháp "giảm áp" toàn diện nhất mà thành phố này ban hành từ năm 2000 đến nay. Các qui định này được thực thi cùng ngày, nếu đơn vị hay cá nhân nào trong ngành giáo dục vi phạm sẽ bị kỷ luật theo qui định của ngành giáo dục thành phố Vũ Hán.

 

 

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ/báo Vũ Hán Buổi Sáng/ NDNB/Xinhua