Ngành CNTT có thực sự “rớt giá”?

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, khi khối các ngành Kinh tế lên ngôi một cách ngoạn mục thì ngành Công nghệ thông tin (CNTT) lại bị thí sinh từ chối một cách "phũ phàng". Có phải ngành CNTT đang bị “rớt giá”?

Đây là một câu hỏi không dễ để có đáp án chính xác nhất là khi trong thời điểm hiện tại ngành CNTT đang phát triển như vũ bão.

Tuy nhiên để nhìn nhận một cách tương đối, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng trường ĐH FPT, đơn vị vừa tổ chức kì thi sơ tuyển với sự góp mặt của gần 10.000 thí sinh ưa thích ngành CNTT.

Vì sao xu hướng đăng kí dự thi ngành CNTT giảm?

Theo nhận định ban đầu thì năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khối các ngành CNTT của các trường ĐH tiếp tục có xu hướng giảm dần, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi không có số liệu chính xác về việc các thí sinh đăng ký ngành CNTT năm nay để có thể nhận xét về việc tăng hay giảm trên tổng thể. Nhưng nếu xét số thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh của trường Đại học FPT đợt 20/4 vừa qua là gần 1 vạn thí sinh, tức là cứ 100 học sinh lớp 12 tốt nghiệp năm nay thì có 1 em dự thi thì tôi thấy sự quan tâm của xã hội với ngành CNTT là rất lớn.

Còn nếu thực sự con số đăng ký thi ngành này có giảm hơn so với những năm trước thì tôi thấy cũng là điều hợp lý vì chúng ta đã đào tạo quá tràn lan và chạy theo mốt trong những năm trước mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo và nhu cầu đầu ra của xã hội.

Ngành CNTT cũng là ngành khá đặc thù nên nếu bạn không thực sự có kiến thức và kỹ năng, cơ hội có việc làm và chỗ đứng trong ngành là rất thấp. Tôi nghĩ hiện tượng giảm thí sinh đăng ký vào những cơ sở đào tạo không chuyên sâu hoặc chưa đủ chất lượng là một dấu hiệu tốt. Điều đó cho thấy phụ huynh và thí sinh đã thực sự quan tâm đến vấn đề chất lượng, đào tạo thực chất để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đó chính là sự điều tiết lành mạnh của cơ chế thị trường trong giáo dục. Có như vậy các cơ sở đào tạo mới có nỗ lực cao nhất để hoàn thiện mình và tập trung đào tạo, phát huy hết những gì là thế mạnh của mình.

Được biết năm nay trường ĐH FPT có số lượng thí sinh ĐKDT là tương đối trong khi đó với các trường ĐH khác thì lại có xu hướng giảm, vậy theo ông là do đâu?

Tôi nghĩ điều hấp dẫn thí sinh nhất chính là cam kết đảm bảo việc làm thu nhập cao cho toàn bộ sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra tôi nghĩ xã hội đã chia sẻ được những quan điểm, triết lý giáo dục và khát vọng của chúng tôi trong việc quyết tâm xây dựng một trường đại học thế hệ mới, đóng góp nhân lực cho một trong những ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn của đất nước trong những năm tới.

Vậy nguyên nhân chủ yếu để thí sinh kém ưa chuộng ngành này hiện nay là gì?

Thí sinh đã nhìn nhận đúng hơn về ngành này và nhu cầu của nó chứ tôi không nghĩ là ngành này kém hấp dẫn đi.

Thậm chí qua đợt tư vấn mùa thi suốt 2 tháng vừa qua, tiếp xúc với hàng nghìn thí sinh ở khắp các tỉnh thành, tôi thấy ngành này vẫn là một trong những ngành hấp dẫn thí sinh nhất bởi cơ hội việc làm thu nhập khá cao, cơ hội được sống bằng hơi thở của công nghệ thế giới, cơ hội làm việc và học tập ở nước ngoài.

Nhu cầu nhân lực ngành CNTT ngày càng tăng

Với xu hướng hiện nay thì có phải nhu cầu nhân lực ngành CNTT trong nước đã đủ sức hấp dẫn người học?

Nhu cầu nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay và cơ hội cho các bạn trẻ trong ngành này là rất lớn. Trong vòng 10 năm tới, chúng ta cần tăng số lượng chuyên gia làm trong ngành này lên hàng chục lần thì mới đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia và các khách hàng toàn cầu.

Tuy nhiên xin nhắc lại là các bạn chỉ có cơ hội nếu được đào tạo tốt và có thực chất. Còn nếu chỉ có tấm bằng cử nhân hay kỹ sư CNTT thì chưa đảm bảo được điều gì. Ngành này các bạn có làm việc được hay không chỉ cần một thời gian ngắn đánh giá là biết được ngay.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đào tạo CNTT tại Việt Nam sẽ còn rất lâu nữa mới đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của ngành CNTT Việt Nam, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ví dụ như ĐH FPT có tăng gấp 5 lần công suất đào tạo như hiện nay thì mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực của một công ty con trong Tập đoàn FPT là công ty FPT Software.

Cần có sự đam mê khi theo học ngành CNTT

Nhiều người cho rằng việc học CNTT ngoài năng khiếu, cần có kỹ năng Tiếng Anh nhất định, ông đánh giá như thế nào về điều đó?

Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là điều bắt buộc trong ngành CNTT, thậm chí 1 ngoại ngữ còn chưa đủ. Vì ngành này là một trong những ngành đã thực sự toàn cầu hóa, khắp nơi là các tài liệu, sách vở bằng ngoại ngữ; khách hàng, đối tác nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Tuy nhiên tôi nghĩ các em có tư duy nhất định, khi cần và có mục tiêu thì sẽ học ngoại ngữ tốt. Không nhất thiết phải giỏi tiếng Anh rồi thì mới nghĩ đến việc học CNTT. Tại trường ĐH FPT, tất cả sinh viên của chúng tôi được đào tạo cả 2 thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Nhật.

Ông có lời khuyên gì cho những thí sinh lựa chọn khối ngành CNTT để đăng ký dự thi năm nay?

Các thí sinh cần cân nhắc kỹ sở thích và khả năng của mình. Học ngành này cần có đam mê. Ngoài ra thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin để chọn cho mình một cơ sở đào tạo phù hợp, mang lại kiến thức và kỹ năng thực tế để có thể làm việc được sau này. Đừng học CNTT vì chạy theo mốt.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)