Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Ngành giáo dục cần chọn mục tiêu thi đua thiết thực

Hôm qua 21/10, Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ V năm 2010 diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của các tập thể, cá nhân tiêu biểu được lựa chọn từ hơn một triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý và gần 22 triệu HS, SV trong cả nước.

Đại hội nhằm đánh giá kết quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2006-2010; biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc; cổ vũ, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong toàn ngành; rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức các phong trào thi đua và vai trò của công tác khen thưởng; đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 của toàn ngành.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa đã tới dự và thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, ghi nhận những thành tích nổi bật của ngành giáo dục giai đoạn 2006-2010.
Ngành giáo dục cần chọn mục tiêu thi đua thiết thực  - 1
Ông Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện ngành đào tạo.

Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương những kết quả mà các phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục đạt được trong 5 năm qua.

Từ các cuộc vận động lớn như "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục," "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo," "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"... các phong trào thi đua đã tạo động lực để xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, động viên các thầy cô và học sinh nỗ lực làm tốt hơn lời căn dặn của Bác Hồ "thi đua dạy tốt và học tốt."

Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi triển khai các phong trào thi đua yêu nước, cần chú ý các bài học kinh nghiệm là chọn mục tiêu thi đua phải thiết thực, hiệu quả và khả thi; chú ý hình thành một cơ chế để huy động và lan tỏa các phong trào thi đua thu hút ngày càng nhiều các lực lượng xã hội cùng tham gia; xây dựng một hệ thống tổ chức làm công tác thi đua chuyên nghiệp đảm bảo công bằng, khách quan.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong ngành giáo dục 2006-2010, khẳng định 5 năm qua, ngành GD-ĐT đã nỗ lực phấn đấu, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn tạo nên những bước phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Công tác Thi đua - Khen thưởng đã góp phần huy động sức mạnh của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên, học sinh trong ngành thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài,” đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ GD-ĐT là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc đổi mới phân vùng thi đua để tạo điều kiện cho các Sở GD-ĐT gần nhau về mặt địa lý, có điều kiện kinh tế xã hội và đặc thù giáo dục gần nhau tạo mối quan hệ bình đẳng, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương trao đổi kinh nghiệm quản lý, tham quan học tập các mô hình giáo dục tốt để áp dụng ở địa phương mình, đó là mục tiêu quan trọng của công tác thi đua.

Tuy nhiên, công tác thi đua khen thưởng cũng còn một số hạn chế, đó là ở một số cơ sở giáo dục, cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua chưa thực sự thiết thực với nhiệm vụ chính trị được giao, chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Khen thưởng cá nhân cán bộ quản lý nhiều, giáo viên trực tiếp giảng dạy và người lao động được khen thưởng còn ít.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho 1 cá nhân là phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Trâm, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội với thành tích nghiên cứu và ứng dụng thành công các giống lúa lai 2 dòng: lúa thơm chất lượng cao hương cốm. Chị cũng đã được trao giải thưởng Kovalepskaia, Bằng tác giả sáng chế, giải thưởng của Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Có bốn tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng lao động là trường Đại học Ngoại thương, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Thương mại và Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Theo TTXVN/Vietnam+