Ngành giáo dục đang lấy lại được niềm tin?

(Dân trí) - Sau khi lắng nghe Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề “nóng” của ngành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Bộ trưởng Giáo dục đã trả lời “mượt mà, êm dịu”. Vậy những đại biểu đặt câu hỏi cũng như cử tri đánh giá như thế nào về phiên chất vấn này?

“Bộ trưởng nói một câu nghe yên lòng”

Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) - người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về kì thi THPT quốc gia, trong đó ông đặt ra vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm đó là kì thi có tạo nên “cú sốc” hay không.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch bộc bạch: Đối với kỳ thi THPT quốc gia, tôi muốn gửi đến Bộ trưởng lo lắng của người dân về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là dấu mốc quan trọng của các em nên nhà trường, gia đình đều mong muốn các em đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao. Về kỳ thi THPT quốc gia, người dân lo lắng về kết quả thi vì những năm trước do địa phương và các trường THPT tổ chức, tỷ lệ đỗ lên tới 98 - 99%. Năm nay, tổ chức thi do các trường đại học thực hiện, nên các trường sẽ đòi hỏi cao hơn, nguy cơ đỗ tốt nghiệp thấp hơn những năm trước. Nếu tỷ lệ này thấp quá sẽ gây hoang mang trong dư luận.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nói một câu nghe yên lòng, đó là đổi mới nhưng không tạo nên “cú sốc”, đổi mới vẫn có thể giữ lại những yếu tố làm nhân dân yên tâm. Tôi mong rằng đổi mới chú trọng vào phương pháp là chính, còn kết quả nên giúp các em bảo đảm mặt bằng chung của xã hội.

Về việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, tôi cho rằng đây là xu hướng tiên tiến hiện đại. Nếu được quán triệt sớm, phổ biến, tập huấn, tuyên truyền rộng rãi thì đánh giá có lợi cho học sinh. Phụ huynh không nên chỉ mong con mình mang điểm về, nên thay đổi tư duy, đừng chú trọng điểm số mà đi vào thực chất” - Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nói.

Đặt niềm tin về một kì thi nghiêm túc, thực chất

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) đánh giá: Phần trả lời của Bộ trưởng tương đối thuyết phục, đáp ứng được yêu cầu nguyên vọng của nhân dân và cử tri cả nước. Kỳ thi THPT quốc gia là một bước tiến mới góp phần thay đổi căn bản và toàn diện ngành giáo dục. Việc tổ chức cụm thi địa phương cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp và cụm thi quốc gia cho thí sinh sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp và đại học thể hiện sự phân luồng tốt. Đây là một bước đi chậm, chắc, có thay đổi cơ bản nhưng không gây sốc cho thí sinh và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy.

Năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đổi mới thi cử, chắc chắn không thể tránh khỏi như sai sót, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện nhưng chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tổ chức cho những năm sau tốt hơn.

“Tuy nhiên tôi có e ngại về sự chênh lệch chất lượng của cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT và cụm thi quốc gia trong quá trình thực hiện; đề nghị Bộ GD-ĐT phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát gắt gao trong kỳ thi tới vì đây là năm đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi 4 trong 1 này. Việc thực hiện nghiêm túc, xử lý vi phạm kịp thời, nhanh chóng, nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy chế thi có tác dụng răn đe làm gương cho những kỳ thi tiếp theo” - Đại biểu Thủy nhắn nhủ tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Cần điều chỉnh Sổ theo dõi và đánh giá học sinh

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu về Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Đây cũng là vấn đề mà tất cả giáo viên tiểu học đang rất quan tâm.

Lắng nghe khá kỹ phiên trả lời chất vấn, cử tri Bùi Thúy Quỳnh - giáo viên Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: Theo quan điểm của tôi, chủ trương về việc đổi mới việc đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học của Thông tư 30 là đúng, nhưng nó sẽ chỉ thật sự hiệu quả với điều kiện phải giảm lượng kiến thức và nên chú trọng vào những kỹ năng mềm cho học sinh.

Cử tri Bùi Thúy Quỳnh.
Cử tri Bùi Thúy Quỳnh.

Qua một năm thực hiện, tôi thấy Thông tư 30 có ưu điểm là không so sánh học sinh nên tất cả các em đều vui, giảm sức ép. Trước đây, cuối học kỳ, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm lại công bố các nhóm học sinh theo xếp loại giáo dục: Giỏi, khá, trung bình, yếu. Điều này có thể gây sức ép cho các em có sức học chưa tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Thông tư 30 còn tồn tại một số hạn chế cần xem xét và điều chỉnh trong quá trình thực hiện đó là những quy định về sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh. Đã dạy học, đương nhiên phải có sổ theo dõi và đánh giá học sinh. Thế nhưng sổ theo dõi chất lượng giáo dục học sinh tiểu học theo Thông tư 30 được thiết kế có phần chưa hợp lý, khiến giáo viên vô cùng bận rộn với nhận xét thường xuyên cả ba nội dung đánh giá. Các tiêu chuẩn đưa ra để khen thưởng học sinh trong Thông tư 30 cũng còn tương đối trừu tượng, gây băn khoăn cho người thực hiện.

Tôi hy vọng và chờ đợi những điều chỉnh từ phía Bộ GD-ĐT để năm học tới có những thay đổi tích cực trong việc đánh giá học sinh tiểu học” - cử tri Bùi Thúy Quỳnh đặt niềm nin vào sự đổi mới của ngành

Thúy Hằng (ghi)