Ngành giáo dục liên tục ra mắt Dự thảo, Đề án

(Dân trí) - Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, từ trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 12/2006, đã có tới 9 Đề án, Dự thảo tương đối đầy đủ và quy mô của ngành giáo dục được công khai công bố trước dư luận.

Đó là 9 Đề án và Dự thảo: 

1. Đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Đây là một Đề án đã được đưa ra bàn thảo lần đầu tiên vào năm 2003 và được đưa ra bàn thảo trong 3 năm liên tục tại 4 hội nghị lớn có quy mô rộng trên toàn quốc.

Bản Đề án này đã đưa ra 7 nhóm giải pháp cho 7 lĩnh vực cấp bách để đổi mới chất lượng giáo dục ĐH là các nhóm Cơ cấu trình độ và hệ thống giáo dục cơ sở giáo dục ĐH, Quản lý giáo dục ĐH, Chương trình và quy trình đào tạo, Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục ĐH, Nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai của các trường ĐH, Tài chính và cơ sở hạ tầng cho giáo dục ĐH, Giáo dục ĐH và hội nhập quốc tế. 

2. Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020. Đề án này đã được bàn thảo lần cuối cùng vào trung tuần tháng 11 và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Chính phủ.

Đề án quy hoạch theo 4 mục tiêu chính:

1, Phấn đấu đạt 200 SV/vạn dân vào năm 2010, 300 SV/ vạn dân vào năm 20105 và 450SV/ vạn dân vào năm 2020.

2, Đến năm 2010, khoảng 70- 80% sinh viên theo học cácc chương trình nghề nghiệp ứng dụng và 20-30% sinh viên theo học các chương trình nghiên cứu.

3, Đến năm 2020 có từ 30- 40% SV học tại các cơ sở giáo dục ĐH tư thục.

4, Năm 2010 sẽ có trên 25% GV có trình độ tiến sĩ và trên 40% có trình độ thạc sĩ; năm 2015 sẽ có trên 30% trình độ tiến sĩ và trên 50% trình độ thạc sĩ; Năm 2020 có trên 80% GV có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ trong đó phải có 50% là tiến sĩ.  

3. Đề án tăng lương giáo viên. Trong 5 năm qua, vấn đề nâng cao đời sống giáo viên đã được Bộ GD- ĐT đưa ra bàn bạc với Bộ Tài chính không dưới 4 lần song hầu như vẫn chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Vào tháng 11 năm 2006, vấn đề này lại được đưa ra hết sức nóng bỏng.

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện Bộ đang trong quá trình xây dựng Đề án này và sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2007. Theo đó, với mức lương hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tháng đối với bậc Tiểu học, 1,5 triệu đồng/ tháng bậc THCS và 1,8 triệu đồng/ tháng bậc THPT thì mức tăng dự kiến sẽ là 1,7 đến 1,8 lần, tức là 3, 2 triệu đồng/ tháng với giáo viên Tiểu học, 3,4 triệu đồng/ tháng với giáo viên THCS và  bậc THPT là 3,6 triệu đồng/ tháng. Khi đề án được phê duyệt, chỉ ngay trong năm học tới, thu nhập của giáo viên sẽ được nâng lên đáng kể. 

4. Đề án tăng mức học phí. Đề án học phí cũng được Bộ GD-ĐT xây dựng từ năm 2002 song trải qua 3 năm “dền dứ”, Đề án này vẫn không thể ra mắt dư luận. Tuy nhiên, tăng học phí đã trở thành một vấn đề cấp bách không thể chần chừ.

Bộ cũng đã quyết định trình Chính phủ đề án này vào cuối tháng 12 năm nay và kèm theo Đề án đó là nhiều giải pháp giảm bớt “gánh nặng”lo lắng cho người học như việc thiết kế mức thu sẽ tính đến khả năng chi trả của người đi học và thu nhập của gia đình.

Theo đó, mức học phí sẽ chiếm từ 4-6% thu nhập của gia đình và mức thu nhập này cũng được tính theo từng vùng chứ không đánh đồng. Vì vậy, mức thu nhập của gia đình ở thành thị và nông thôn khác nhau nên mức học phí cũng sẽ khác nhau.

Tuy nhiên, điều này phải thực hiện trên nguyên tắc dù vùng khó khăn đóng học phí thấp, nhưng Nhà nước phải chi nhiều hơn để chất lượng đào tạo không quá chênh lệch. 

5. Dự thảo quy định Dạy thêm học thêm. Đây là lần đầu tiên, ngành giáo dục công khai công bố Dự thảo quy định Dạy thêm học thêm để lấy ý kiến của người dân. Trong vòng 10 năm qua, Dạy thêm học thêm đã trở thành một căn bệnh trầm kha với nhiều biến tướng gây nên thảm hoạ cho không chỉ riêng ngành giáo dục.

Dự thảo có những quy định rất chi tiết để việc Dạy thêm tiếp tục tồn tại nhưng với tính chất tích cực nhất như các quy định việc dạy thêm của tổ chức hoặc cá nhân chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, nhà trường không được tổ chức dạy thêm học thêm cho những học sinh học 2 buổi/ngày, kể cả ôn thi tốt nghiệp hoặc thi chuyển cấp. 

Tổ chức, cá nhân xin mở lớp dạy thêm phải có đội ngũ giáo viên đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên. Giáo viên không được dạy trước tiến độ quy định của phân phối chương trình… 

6. Dự thảo Quy chế hệ vừa học vừa làm. Mặc dù Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân có khẳng định trọng tâm của công tác đổi mới giáo dục ĐH không phải là ở khâu chấn chỉnh hệ vừa học vừa làm nhưng Quy chế của hệ này cũng đã được xây dựng nhanh chóng và được đưa ra công khai công bố trước dư luận để trưng cầu ý kiến.

Với những quy định khá chặt trong Dự thảo này, chất lượng đào tạo của cả người dạy và người học chắc chắn sẽ được cải thiện.

7. Dự thảo quy chế học sinh sinh viên. Sinh viên sẽ được kiểm soát chặt hơn việc học cũng như phẩm chất đạo đức vì quy chế này. SV đạt 100 điểm rèn luyện sẽ được xếp loại xuất sắc. SV trong 2 năm liên tục đạt mức điểm dưới 30 sẽ bị đuổi học.

Kết quả rèn luyện của SV sẽ được đánh giá trên 5 mặt: ý thức học tập (10-15 điểm), ý thức chấp hành nội quy nhà trường (0 - 30 điểm); ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn thể, phòng chống tệ nạn xã hội (0-30 điểm); phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng (0-15 điểm); ý thức tham gia công tác phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc đạt được thành tích đặc biệt trong rèn luyện.

8. Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ. Đào tạo tiến sĩ trong 30 năm qua đã bộc lộ nhiều yếu kém bất cập. Vì thế, Quy chế đào tạo tiến sĩ mới quy định rất rõ như cơ sở đào tạo tiến sĩ phải có đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu đủ mạnh với số lượng từ 10-15 người có học vị từ tiến sĩ trở lên, để mứo chuyên ngành đào tạo tiến sĩ mới, cơ sở đào tạo phải có đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu ít nhất 5 tiến sĩ chuyên ngành, trong đó phải có ít nhất 1 PGS… 

9. Dự thảo Quy định về in, biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Trước sự phản ánh khá gay gắt của dư luận về sự độc quyền của NXBGD, Bộ GD-ĐT đã soạn Dự thảo Quy định về in, biên soạn và phát hành SGK. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc ở nhiều điểm như việc đảm bảo chất lượng SGK như thế nào, việc cung ứng sách giáo khoa cho các vùng khó khăn ra sao khi đã xoá bỏ độc quyền… nên Quy định này chưa được ban hành. 

3/9 Đề án, Dự thảo đang thu hút được sự cực kỳ quan tâm của dư luận là Đề án tăng lương giáo viên, Đề án tăng mức học phí, Dự thảo quy định Dạy thêm, Học thêm.

M.H