Tư vấn chọn ngành năm 2018:

Ngành Tôn giáo có dễ xin việc?

(Dân trí) - Giải thích giúp em về ngành Tôn giáo, học như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu? (Baongocbibi@gmail.com)

Trả lời:

Theo học ngành Tôn giáo học, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức lý luận và thực tiễn cơ bản ở trình độ đại học; các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và các kiến thức bổ trợ về lĩnh vực tôn giáo học, nhằm giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ cơ bản về tôn giáo; tham mưu và giúp lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tôn giáo.

Học ngành này, sinh viên được trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, có hệ thống về tôn giáo, tín ngưỡng và những kiến thức cơ bản của các khoa học liên ngành gắn với tôn giáo học, bảo đảm tính khoa học, hiện đại, tính tư tưởng, đạt trình độ hiểu biết căn bản về các hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng trong lịch sử và ở thời hiện đại.

Sinh viên sẽ được trang bị những kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cơ bản, khoa học hiện đại; chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, áp dụng những kiến thức lý luận vào thực tiễn; giúp nâng cao trình độ tư duy; có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Khi lựa chọn lĩnh vực này bạn có thể làm một trong các vị trí sau:

Làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Tôn giáo học trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về tôn giáo, làm công tác quản lý tôn giáo, làm việc trong các cơ quan hành chính của Nhà nước như Ban dân vận, Sở Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc … và các trường của các đoàn thể chính trị xã hội khác.

Công tác trong các cơ quan hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế – xã hội.

Giảng viên tại các cơ sở đào tạo về tôn giáo bậc trung cấp, cao đẳng và một số trường đại học.

Nghiên cứu viên về tôn giáo tại các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học; các cơ quan lý luận chính trị như: Trường Chính trị các tỉnh, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc Gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học An ninh Nhân dân.

Có cơ hội học lên ở các bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) và trở thành các nhà khoa học, làm việc tại các trung tâm/ viện/ cơ sở nghiên cứu về tôn giáo như: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Văn hóa, Trung tâm Văn hóa và Tín ngưỡng – Học viện CT – HC Quốc gia HCM, …

Ban Tư vấn tuyển sinh (Nguồn trường ĐH KHXH & NV Hà Nội).