Bạn đọc viết:

Ngày 20/11, nhớ về “chị Hai” thân thương của lớp tôi

(Dân trí) - “Chị Hai” là cách xưng hô của chúng tôi với cô giáo chủ nhiệm lớp 9 của mình. Không ít lần hai tiếng ấy vang lên vô tình lọt vào tai của nhiều thầy cô khác và tất nhiên là chúng tôi bị “chỉnh” ngay lập tức. Nhưng lòng kính trọng và yêu mến cô giáo chủ nhiệm của những học trò thế hệ 8X chúng tôi chưa bao giờ nhạt nhòa.

Ngày ấy, cô là cô giáo dạy Văn vừa mới ra trường đã được bố trí vào lớp 7A, một lớp chọn với nhiều thành tích nổi bật trong học tập, phong trào. Năm học đầu tiên trôi qua trong êm đềm, bình lặng. Lên lớp 8, nhà trường tiến hành xáo trộn lớp và học sinh khá giỏi của lớp tôi san đều ra toàn khối. Lớp 8A đón nhận nhiều bạn mới với đủ mức học lực, đủ loại hạnh kiểm.

Hành trình “hòa nhập” môi trường mới của tôi và một số bạn khá giỏi bắt đầu với nhiều thử thách, gian nan. Thêm vào đó là những đổi thay mạnh mẽ về tâm sinh lý của cái tuổi “dở dở ương ương” khiến bao rắc rối, phiền toán bắt đầu nảy sinh. Cô vẫn là cô giáo chủ nhiệm nhiệt tình, luôn quan tâm học sinh, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất vai trò của mình.

Nhưng có lẽ cô còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu cái uy của giáo viên đứng tuổi nên ít nhiều khiến thành tích mọi mặt của lớp tôi cứ lẹt đẹt phía sau. Chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu hết những vất vả, nhọc nhằn của người giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi không hề biết cô phải chịu những áp lực vô hình từ cấp trên luôn bủa vây. Chúng tôi chỉ biết im lặng khi bắt gặp đôi lần mắt cô đỏ hoe, đôi lần cô bước vội ra khỏi lớp để gạt giọt nước mắt. Tuy nhiên, mọi thứ lại đâu vào đấy, nhiều bạn vẫn lười học, vẫn quậy phá.

Năm lớp 9 bắt đầu theo kiểu “cuốn chiếu” và lần thứ ba cô là mẹ hiền của lớp tôi. Mọi thứ bắt đầu đổi thay từ cái ngày 20/11 đáng nhớ ấy. Hai năm trước đó, mỗi lần chúng tôi nheo nhéo đòi về thăm nhà cô vào dịp lễ tri ân, cô đều từ chối một cách thằng thừng với lý do đường xa, xe đông. Năm học cuối cấp nung nấu ý định về bằng được nhà cô đã thôi thúc chúng tôi dò la được địa chỉ và hẹn hò nhau giờ giấc khởi hành.

Đường về nhà cô xa kinh khủng, ngót ngét hai mươi cây số. Những vòng xe đạp lăn bánh không chút mệt mỏi trong niềm háo hức, chuyện trò râm ran. Và trong tâm trí những đứa học trò ấy bắt đầu nhen nhóm sự cảm thông dành cho cô giáo mấy năm trời vượt đường xa đến lớp. Nhà cô nghèo lắm, có lẽ là nghèo nhất trong số các giáo viên ở trường tôi lúc đó. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi thấy thương cô nhiều, nhiều lắm.

Sau một ngày “ăn vạ” ở nhà cô với đủ trò nghịch ngợm, cô chạy xe chầm chậm đưa chúng tôi về tận cổng làng rồi mới quay xe lại. Tình cảm giữa cô và trò gắn kết từ lúc nào chẳng biết. Để rồi chúng tôi biết nhắc nhở nhau vâng lời hơn, chăm học hơn, bớt nghịch ngợm. Ngay đến mấy đứa quậy nhất lớp cũng bắt đầu có sự biến chuyển lớn về nhận thức.

Dáng người cô khá nhỏ nhắn, chúng tôi lại là trẻ nhà nông quen chân lấm tay bùn nên sức vóc phát triển. Mỗi lần đi song song cùng cô, cái dáng bé nhỏ ấy như lọt thỏm trong đám học trò. Chúng tôi bắt đầu gọi cô là “chị Hai” và quen miệng dần khi bước ra khỏi cánh cửa lớp. Chúng tôi tự hào về "chị Hai" của mình lắm.

Tôi nhớ lần lớp tôi diễn văn nghệ và gây ấn tượng mạnh với toàn trường khi tiết mục múa có đến 4 đứa con trai cầm quạt đứng trung tâm.Thú thật, vào thời điểm đó, việc yêu cầu nam sinh lớp 8, 9 tham gia văn nghệ đã khó, nhất là ép mấy đứa con trai nhiều sĩ diện như chúng tôi múa phụ họa lại càng là chuyện không tưởng. Vậy mà cô đã thuyết phục thành công 4 bạn nam, ra sức luyện tập và diễn trong ánh mắt đầy hãnh diện.

“Chị Hai” luôn nhắc nhở chúng tôi phải hòa đồng với học sinh trong trường, tham gia thi thố không được đặt nặng thành tích. Nhưng trong một lần thi kéo co giữa hai lớp, thầy giáo trọng tài đã thiên vị lớp kia. Và chính chị Hai “ra lệnh” chúng tôi phải thắng bằng được. Thế là mười đứa học trò cả nam và nữ ra sức kéo, kéo bằng tất cả sức lực của mình, kéo đến tay rướm máu vì bị sợi dây thừng cứa vào. Chúng tôi chiến thắng trong tiếng hò reo không dứt của lớp. Chưa bao giờ tinh thần thể thao của lớp tôi dâng cao như thế!

Về sức học, lớp tôi không phải nổi trội nhất khối nhưng về tinh thần đoàn kết, lớp tôi đứng số 1. Nhiều học sinh trong trường rất ghen tỵ về điều đó. Mỗi khi giờ ra chơi bắt đầu, trong khi các lớp khác tham gia trò chơi dân gian uể oải, rời rạc, miễn cưỡng thì lớp tôi lại cực kỳ sôi nổi, hứng thú dưới tài tổ chức, điều hành hoạt động của “chị Hai”. Trong tất cả các buổi lao động cuốc đất và cắt cỏ, “chị Hai” chưa bao giờ bỏ mặc lớp để tìm bóng râm phòng mát…

Việc học, việc thi cuối cấp cuốn chúng tôi đi quên bẵng cả thời gian. Càng gần ngày kết thúc năm học, sự lưu luyến thầy trò càng dâng cao và một lần nữa chúng tôi cảm phục tấm lòng của cô giáo chủ nhiệm đối với học sinh của mình. Một bạn nam trong lớp do cảnh nhà eo hẹp đã không có tiền đóng các khoản và đưa vào danh sách nợ. Nhân lúc bạn nam không đến lớp trong mấy ngày cuối, “chị Hai” đã vận động chúng tôi quyên góp giúp bạn. Tôi không nhớ rõ số tiền ấy là bao nhiêu, chỉ có điều chúng tôi góp tay không đủ và “chị Hai” đã bỏ vào phần còn thiếu. Số tiền ấy là cả một tấm lòng…

Rời mái trường trung học, những lần họp lớp của chúng tôi thưa dần vì mỗi đứa mỗi ngả. Chúng tôi vẫn nghe ngóng về tin tức của “chị Hai” và buồn vô cùng khi biết chị có một tình yêu không trọn vẹn với thầy giáo cùng trường và một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Trong mỗi câu chuyện của chúng tôi về ngày xưa, bao giờ cũng hỏi han nhau rằng: “Có gặp chị Hai không?”, “Chị Hai vẫn khỏe chứ?”,… Và không quên dò la tin tức của nhau để mỗi lần bấm số gọi có thể trả lời “chị Hai” về tình hình bạn nọ, bạn kia…

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!