Ngày 20/11, có nên tặng quà thầy cô giáo?

(Dân trí) - “Đây cũng là một ngày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo thôi mà. Tôi không phải nhà giáo chỉ là phụ huynh thôi nhưng tôi thấy trân trọng những thầy cô giáo đã dạy dỗ các con tôi và gọi là có chút quà để tri ân các thầy cô”.

Thời gian qua, hàng trăm bạn đọc gửi ý kiến đến báo điện tử Dân trí bày tỏ quan điểm của mình về việc có nên tặng quà các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay không. Chia sẻ trên của bạn đọc Phạm Thị Hiền Giang ở địa chỉ email pthgiang@gic.com.vn cũng là quan điểm chung của nhiều bạn đọc Dân trí.

 

Xin trích đăng một số ý kiến:

 

“Thực ra việc tặng quà cho thầy cô ngày 20/11 không hẳn là vì mục đích vật chất mà còn có ý nghĩa tri ân người có công rèn giũa mình và con em mình. Thực ra, đừng nghĩ rằng tất cả tặng quà đều vì mục đích vụ lợi mà còn là tình cảm của cha mẹ vì sự chăm sóc, giáo dục của họ dành cho con em mình.” - Người gửi:  Ngọc Bích, email:  ngocbich14678@yahoo.com 

 

Nhiều bạn đọc cho rằng, món quà ý nghĩa nhất mà học sinh dành tặng thầy cô là sự lễ phép, chăm ngoan:

 

“Món quà lớn nhất học trò tặng thầy cô là lễ phép, biết vâng lời và chăm học. Món quà cha mẹ học sinh tặng thầy cô ý nghĩa nhất chính là đứa con ngoan của mình!” - Người gửi:  hoàng ngôn, email:  trucngon.phan@gmail.com 

 

Ấm áp ngày lễ tri ân thầy cô
Buổi lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2013 tại Trường Mầm non Song ngữ Hoa Trà My (Hà Nội).
 
“Giáo dục học sinh là nhiệm vụ được trả lương của mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường. Để tri ân, các phụ huynh chỉ cần phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục con em mình là món quà lớn nhất rồi.” - Người gửi:  Nguyễn Hồng Phong, email:  hongphongty@gmail.com 

 

“Nhà tôi vợ là giáo viên cấp 2 Nhưng năm nào vợ tôi cũng không nhận quà 20/11 của 1 học sinh và phụ huynh nào cả. Mặc dù nhà tôi cũng không phải gia đình giầu có, vợ tôi bảo cô chi nhận những tấm lòng của các em. Nếu các em có lòng tự vẽ 1 bức tranh đơn giản hoặc hát tặng cô 1 bài hát là cô vui, có những gia đình con học kém, thấy mang phong bì đến nhưng vợ tôi nhất quyết không nhận, vợ tôi bảo làm nghề giáo dục phải có cái tâm thì lòng mình mới thanh thản.” - Người gửi:  Tran Thanh, email:  tranhueduythang@gmail.com    

“Ngày xưa, khi còn nhỏ chỉ chăm học cho tốt, có được điểm 10 cho thầy cô ngày nhà giáo là niềm khích lệ lớn rồi. Có lẽ như bạn đã nói, lâu dần trở thành thói quen, nhưng thói quen này bắt nguồn từ phụ huynh và là cơ hội để những phụ huynh có tiền, con học không giỏi gửi gắm và dĩ nhiên khi gửi gắm thì phải có "lại quả". Kết quả học trò có điểm tốt, nhưng chất lượng lại kém.” - Người gửi:  Khánh, email:  hokikha@gmail.com 

 

Số đông bạn đọc không phản đối việc tặng quà thầy cô giáo nhân ngày 20/11, nhưng điều quan trọng là văn hóa đưa quà.

 

“Những ngày này nên có quà cho thầy cô chứ. Vấn đề ở đây là văn hóa đưa quà. Khi mà thầy cô thấy việc phụ huynh đưa quà là cách thầm cảm ơn sự chăm lo của các thầy cô cho các cháu thì thầy cô và phụ huynh đều sẽ thấy vui và an lòng. Và tất nhiên thầy cô sẽ không coi trọng quá về giá trị tuyệt đối của món quà.” - Người gửi:  Trần Sơn, email:  sonccr@yahoo.com 

   

Cần chấn chỉnh tình trạng biến tướng quà cáp trong ngày 20/11

 

Đồng tình với việc tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11, nhiều bạn đọc đề xuất rằng cần chấn chỉnh tình trạng “biến tướng quà cáp” trong dịp này.

 

“Với truyền thông tôn sư trọng đạo của dân ta, việc tặng quà cho thầy, cô là việc làm không xa lạ, nhưng nó trở thành xa lạ khi nó biến tướng, trở thành động cơ mưu cầu thực dụng, thương mại hóa…” - Người gửi: Hieu Giang, email:  baothnhnguyencamlo@gmail.com 

 

“Lễ 20/11 giáo viên được nhận quà là bình thường, đừng có biến tướng xin cho là được.” - Người gửi: Nguyễn Dũng, email:  nxadung2204@yahoo.com.vn 

 

“Tặng quà đúng nghĩa cũng chỉ là bệnh hình thức. Mà bây giờ lại bị biến tướng thì nó lại trở thành gánh nặng cho gia đìng phụ huynh và ảnh hưởng xấu tới cả xã hội.” - Người gửi:  Nguyễn Quang Tùng, email:  nqtung76@yahoo.com.vn 

 

“Nhân dịp 20/11/2014 kính chúc sức khỏe thầy cô, những người lái đò trong hành trình đưa kiến thức đến với học trò, đừng để mai một cái ý nghĩa đẹp đẽ về ngày nhà giáo trong ký ức trẻ thơ. Hy vọng Bộ Giáo dục đào tạo chấn chỉnh lại tình trạng biến tướng quà cáp trong Ngày Nhà giáo 20/11, đó là niềm mong mỏi của tất cả các phụ huynh. Hãy để ngày nhà giáo thật sự là một ngày tri ân thầy cô theo đúng nghĩa.” - Email:  wawavn84@gmail.com 

   

“Nhìn lại cách đây 30 năm khi chúng tôi còn trên ghế nhà trường thì món quà tặng cô 20/11 là những giờ học tự quản, là những buổi học nghiêm túc, là những điểm 10 thực sự, 20/11 đến nhà cô thì rồng rắn cả lớp rồi ăn cơm cùng cô, có lần cô phải đi mượn xoong gang to để nấu cơm cho chúng tôi ăn, không có thịt cá gì đâu chỉ có rau dưa muối mắm thui. Chúng tôi giờ mỗi đứa một phương nhưng khi gặp nhau bao giờ chuyện hỏi về những kỷ niệm thời học trò và cô giáo vẫn là phần mở đầu buổi nói chuyện - thật là hạnh phúc rất giản dị.

 

Mọi sự so sánh sẽ khập khiễng nhưng thời buổi bây giờ khác ngày đó nhiều quá, tôi thấy chuyện phong bì, quà cho cô cho thầy bây giờ được đo bằng giá trị vật chất nhiều hơn - chắc chắn khi ra trường sẽ không ai nhớ và dám nhắc lại những món quà đó như chúng tôi ngày xưa.” -  Người gửi: Hoa Học Trò, email:  thienduong311@gmail.com 

 

“Ngày trước hồi đi học, cứ đến ngày 20/11 là bận túi bụi, nào là sưu tầm, sáng tác văn - thơ làm báo tường. Rồi viết viết, vẽ vẽ trên tờ báo làm sao cho đẹp cho sáng tạo để gửi thầy cô. Đến ngày 20/10 mỗi bạn xin ba mẹ vài nghìn để góp vào mua một bó hoa và ít hoa quả rồi đến nhà cô. Đến nhà cô thì cô bóc hoa quả cho học trò ăn rồi mấy cô trò còn ra đồng bắt cá, xuống ruộng hái rau nấu cơm ăn cùng. Tình cảm cô trò chứa chan, thời đó khó khăn mà ý nghĩa quá. NHỚ!!!!.” -  Người gửi: Nguyễn Chung, email:  nguyenchung.,mcg@gmail.com 

 

Nguyên Chi (tổng hợp)