Bài ca đỉnh núi của những “hiệp sĩ văn hoá” (Phần 2):

Ngày 20/11 không lặng lẽ

(Dân trí) - Hình như tôi và cô Đinh Hương Giang ở trường tiểu học Bản Mế (huyện Simacai, tỉnh Lào Cai) có thể thấu hiểu và thông cảm với nhau mà chẳng cần nhiều lời. Tôi thích tính cách của cô. Một người phụ nữ đã quyết là sẽ làm, và đã làm thì sẽ làm với nhiệt tình không bao giờ vơi cạn.

Lại những lớp học chỉ có cơm rau 

Các phụ huynh người Mông vẫn nói với các thầy cô cắm bản: “Thầy cô bắt chúng nó đi học, thì phải cho chúng nó ăn cơm”. Không một đồng phụ cấp dạy thêm giờ, tiền mua chổi quét lớp các thầy cô cũng phải bỏ ra, hàng năm chỉ vận động học sinh đóng góp được 4-5kg ngô để xây dựng quỹ đội; và nhất là sau khi chương trình 135 bị cắt, đồng lương của giáo viên giảm đáng kể, nhưng cô Giang vẫn cười bảo: “Mình không tủi thân đâu, vất vả quen rồi. Nghĩ đến hoàn cảnh các em, thương lắm! Chỉ cần học trò mình đi học đều, ngoan là vui lắm rồi”.

Cô kể với tôi chuyện những đôi chân trần nhỏ xíu, vượt hai ba quả đồi, con suối trong cái rét cắt da cắt thịt 1-2oC để đến trường. Núi thì cao, mà bàn chân học trò thì nhỏ bé quá, các em đói quá, nghèo quá! Các bé em ở đây, mặt em nào cũng nhọ nhem, nứt nẻ, bụng trương phình lên vì giun sán, nhiều em bị đau mắt đỏ mà không có thuốc chữa. Các em lom khom nhặt củi, đeo trên lưng bao ngô như con kiến tha mồi, lúi húi tự thổi lửa nấu cơm trong những cái lều dựng để ở tạm lúc đi học xa (vì nội trú không đủ chỗ).

Giường của những em ở nội trú thì lúc nào cũng có gạo, ngô rơi vãi. Bữa cơm của các em cũng là một câu chuyện buồn. Cơm không, hoặc cơm với muối, xa xỉ lắm thì có thêm chút rau luộc - thứ lá già bao bên ngoài của bắp cải, những người miền xuôi không bao giờ ăn, hoặc cơm chan với nước muối… Cứ thế, các em ăn ngon lành, hau háu như tàu ăn rỗi.

Trời lạnh, tôi mặc mấy lần áo khoác, đi hai ba đôi tất, đeo găng tay mà vẫn run cầm cập, các em chỉ mặc áo mỏng, chân trần, có khi cả tháng trời không có chiếc áo thứ hai để thay. Các em đi học, tay vung vẩy cặp lồng nhôm, bên trong chỉ có sắn xắt nhỏ, đồ lên, hoặc ngô xay, khoai xay; hồn nhiên vui đùa, hồn nhiên lớn lên, chẳng bận tâm đến sự thiếu thốn. 

Các thầy cô ở trường, ai cũng đau đáu chuyện cải thiện bữa ăn cho học trò, nhưng xem ra mọi cố gắng chỉ như muối bỏ bể. Ngôi trường khang trang, bàn ghế, bảng đẹp đẽ từ nguồn kinh phí của chính phủ và tổ chức E&D (Enfant & Devélopement), mà bữa cơm học trò lại đạm bạc đến đau xót. Hàng tháng, cô trích tiền lương mua thêm thịt, thêm mỡ cho các em được cải thiện, cùng các thầy cô khác trong trường cưu mang cho bữa ăn học trò mình, nhưng không thể xuể.  

Cô tâm sự rất thật rằng, hầu như tiền lương của cô chỉ đủ ăn, không thể dư thừa, hay tiết kiệm nổi. Nhiều thầy cô trong trường vay tiền Ngân hàng mua xe máy, hàng tháng trả vốn, trả lãi đã hết một nửa. Nếu về thăm bố mẹ, mua sắm quà cáp, biếu bố mẹ ít tiền, thì tháng đó cầm chắc phải treo niêu. Các hàng quán ở đây, phần nhiều là cho giáo viên nợ. Cô đắn đo mãi mới dám đi chợ Simacai, chợ Bắc Hà vài tháng một lần, vì đi về là hết tiền.  

20/11 trên vùng cao 

Ngày 20/11 không lặng lẽ  - 1

Nụ cười quá đỗi hồn nhiên của trẻ em vùng cao đã "níu" chân các cô ở lại với bản.

Những bậc làm cha làm mẹ người Mông, người Nùng ở đây cứ để con cái tha thẩn chơi, lớn lên tự nhiên như cỏ. Những đứa trẻ ở truồng, rét tím tái, đi học còn địu em theo. Cảnh nghèo se sắt trong núi ủ mây và sương mù, có cơm thay mèn mén là một hạnh phúc. Nhưng những người dân ít học, ít chữ này lại rất quý giáo viên. Những dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, họ góp nhau mỗi nhà một bát gạo nếp, vài quả trứng gà… đến tặng cho các thầy cô.  

Một lứa học sinh cũ của cô Giang, bây giờ đã học lớp 10. Các em lớn cả rồi, ngày Hiến chương các nhà giáo, biết tập trung nhau kéo đến nhà cô, ngồi chật cả nhà, kể chuyện đi học ở lớp mới trường mới, cười nói ầm ĩ cả. Chúng biết ngắt hoa rừng đem đến tặng cô, góp tiền mua một gói kẹo cứng nhỏ xíu, thêm vài quả trứng gà trứng vịt, chẳng biết nói gì, cứ để luôn ra bàn. Tám, chín năm ở Sín Chéng, ở Bản Mế chỉ dạy học sinh lớp 1, năm nào cô cũng được nhận những tấm lòng nồng nhiệt hồn nhiên và giản dị của học trò như thế.  

 

Cô giáo bảo với học sinh của lớp cô đang chủ nhiệm, rằng sắp đến ngày Tết của cô rồi, những ngày này, ở dưới xuôi, các bé em sẽ tặng hoa để chúc mừng và cảm ơn các thầy cô giáo đã dạy mình. Cả lớp 1B có 17 em học sinh cùng xôn xao, nhao nhao lên, các em thi nhau nói: “Nhà cháu có hoa! Nhà cháu có hoa!”. Sáng hôm sau, mỗi em mang đến một bó, đủ các loại: hoa mua, hoa cải, hoa xèo (hoa màu tím, dùng để làm bánh)… đưa tới trước mặt cô, ngượng nghịu: “Cô giáo, này!”. Cô đặt tất cả ở bậu cửa, ở xô, ở bàn học vẫn không hết. Ngày hôm ấy, cô giáo Giang đi ra đi vào nhà mình, ngắm những bông hoa… 

 

Đinh Phương Linh