Quảng Nam:

Ngày 8/3, không quà, không hoa của cô giáo vùng cao

(Dân trí) - Lên với các cô giáo vùng núi cao Nam Trà My (Quảng Nam) đúng dịp chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, hỏi các cô có nhận được hoa hay quà trong dịp này không, hầu hết các cô đều lắc đầu nói “Ở đây các em không biết đến hoa và quà là gì”.

Ngày 8/3, chúng tôi đến điểm trường mẫu giáo Long Túc, Tak Ta - Mang Liệt thuộc xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), nơi cách trung tâm huyện hơn 20 km, phải di chuyển bằng xe máy và lội bộ mất gần 1,5 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Điểm trường Long Túc thôn 3 xã Trà Nam, huyện Nam Trà My
Điểm trường Long Túc thôn 3 xã Trà Nam, huyện Nam Trà My

Cả 2 điểm trường mẫu giáo Long Túc, Tak Ta - Mang Liệt đều nằm chơi vơi trên ngọn đồi cao và cách nhau khá xa, từ điểm này qua điểm kia hơn 30 phút cả đi xe máy lẫn đi bộ. Tại điểm trường Long Túc đang nuôi dạy 45 cháu, còn tại điểm trường đang nuôi dạy 27 cháu.

Hỏi các cô giáo tại đây hôm nay Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các cô có nhận được hoa, quà hay lời chúc nào của cánh đàn ông gởi đến các cô không? Các cô đều nói “Ở đây các em không biết đến ngày lễ là gì. Thường thì những ngày lễ, các cô tự chúc nhau bằng lời và thường nấu một bữa ăn được coi là “thịnh soạn” cho có không khí”.

Cô giáo Hồ Thị Mỹ Yến – Chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn tại điểm trường Long Túc – tâm sự: “Ở đây điện không có, nước sạch cũng không, điện thoại thì sóng chập chờn dù loại điện thoại được coi là “thông minh” cũng không thể vào mạng xã hội được để nhận lời chúc của bạn bè, thầy cô từ các trường khác”.

Các cháu học sinh tại điểm trường Long Túc
Các cháu học sinh tại điểm trường Long Túc

Cô Yến quê ở huyện Bắc Trà My lên điểm trường này đã được vài năm vẫn chưa thể quen được “nỗi buồn” nơi này vì tối đến không có gì để giải trí. Trong căn phòng ở nhỏ xíu cạnh trường chỉ đủ để kê 2 chiếc giường cho 3 cô giáo ở điểm trường này ăn nghỉ, sinh hoạt.

Tôi hỏi cô Hồ Thị Mỹ Yến ngày lễ như ngày 8/3 này có anh chàng đồng bào nào “bén mảng” đến thăm cô không? Cô Yến cười nói “Có thì đã tốt”.

Còn tại điểm trường Tak Ta – Mang Liệt chỉ có một mình cô Trần Thị Thành “trụ trì”. Cô Thành năm nay 25 tuổi, từ huyện Thăng Bình lên đây cũng đã được vài năm nhưng cũng chưa quen được nỗi buồn “nhức xương” ở nơi này. Tối đến chỉ có mình cô với căn phòng bé xíu, không có điện sinh hoạt, điện thoại lúc có lúc không, thời gian rảnh buổi tối không biết làm gì ngoài… ngồi buồn.

Cũng như các cô ở điểm trường Long Túc, ngày lễ tết, hay như ngày 8/3 này không có ai mang hoa đến tặng cho “lòng rộn ràng”. Xung quanh chỉ có đồng bào mà đồng bào thì những ngày như lễ 8/3 họ không quan tâm.

Các cô cho biết, thông thường trong các ngày lễ, các điểm trường ở gần các cô tập hợp lại và tự tổ chức giao lưu với nhau. Còn quà cáp hay hoa trong những ngày lễ thì “nằm mơ cũng không thấy” nhưng không vì thế mà các cô bỏ trường, bỏ lớp, bỏ các em học sinh ở vùng cao. Đó là tình yêu nghề, yêu các em học sinh ở nơi gian khổ này.

Công Bính