Ngày hè của “cậu bé tò he”

(Dân trí) -Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa ít nhiều được đi chơi vào những ngày hè, những ngày hè cũng là lúc “cậu bé tò he” Nguyễn Văn Quý (HS lớp 5B, trường tiểu học Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) có thời gian “kinh doanh” kiếm tiền trang trải cho năm học mới.

Những ngày hè này, cứ độ năm giờ chiều, sau khi ăn vội bữa cơm, Quý lại lốc cốc đạp xe về phố Hội để bán tò he, đây là mùa hè thứ hai Quý làm công việc này. Và cái tên “cậu bé tò he” do những người dân trong xóm đặt cho cậu cũng sinh ra từ đó. Nhà Quý cách thành phố Hội An chừng 3km, vì vậy chiều nào Quý cũng tranh thủ đi sớm kiếm một chỗ ngồi “đẹp” để thuận tiện cho việc “kinh doanh” của mình.  

Quý bên gian hàng tò he của mình.
Quý bên gian hàng tò he của mình.

Quý sinh ra trong một gia đình nhà nông, có 4 anh em đều trong độ tuổi đang đi học. Là con út trong gia đình, tuổi lại còn nhỏ nên Quý không phụ giúp được cha mẹ trong công việc đồng áng nặng nhọc. Hằng ngày, ngoài công việc chính là ở nhà nấu cơm, Quý đạp xe đến các hộ gia đình làm nghề nặn tò he lấy sỉ về bán lại kiếm lời.

Quý cho biết: “Mỗi con tò he tại lò có giá là 7 nghìn đồng, em mua về bán lại với giá 10 nghìn, mỗi đêm em bán được chừng 10 con, nếu may mắn thì có thể hơn, đêm nào cũng lãi được trên 30 nghìn”.

Mặc dù công việc nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng để kiếm được khoảng tiền lãi như vậy, Quý phải ngồi bán từ 18g đến hơn 22g đêm mới dọn hàng về, đó là chưa kể những đêm trời mưa thì người mua cũng ít đi.

“Đêm nào bán được ít hàng thì em thường về muộn, ba mẹ cũng không ngủ được vì lo lắng cho em, vậy nên em phải tìm cách “tiếp thị” những con tò he của mình thật tốt để bán được nhiều hơn và tranh thủ về sớm”, Quý chia sẻ.

Ngoài việc phải luôn cười nói và chào hàng, Quý còn biết được rất nhiều câu tiếng Anh học được từ các cô chú bán hàng trong phố Hội, để giới thiệu sản phẩm của mình cho du khách nước ngoài biết đến để họ mua hàng.  Mặc dù công việc “buôn bán” vất vả, tiền lời lãi cũng không được là bao, nhưng Quý không bao giờ buôn bán theo kiểu bu bám, chèo kéo, du khách đặc biệt là du khách nước ngoài.

“Các cô chú buôn bán trong phố Hội dặn rồi anh ạ, mình phải tôn trọng khách hàng, chứ không được buôn bán theo kiểu chụp giật “chặt chém” khách hàng đâu”, Quý trải lòng.

Ngọc Viên