Ngày Tết càng nên học!

(Dân trí) - Không chỉ ăn, chơi, vui Tết... mà những ngày nghỉ Tết là còn dịp quý trong năm có thể dạy trẻ rất nhiều thứ mà không phải gò ép trẻ ngồi vào bàn học, làm bài tập.

Tết về, các gia đình dồn sức nhiều nhất là việc chuẩn bị, mua sắm, sửa sang nhà cửa. Đối với trẻ, con chơi Tết mà nhiều phụ huynh vẫn thom thóp lo con nghỉ dài rồi quên bài vở. Trong khi những hoạt động trong ngày Tết là dịp để trẻ học được rất nhiều thứ mà không cần phải làm bài tập. Thậm chí, Tết còn cần học nhiều hơn cả ngày thường.

Ngày Tết càng nên học! - 1

Chị Nguyễn Thụy An, ở Bình Tân, TPHCM cho hay, ngày con nghỉ học là chị đóng gói khóa toàn bộ sách vở, con không phải động bài vở, bài tập gì hết. Kể cả cô giáo có ra một vài bài cho con chị cũng “để dành” đến trước ngày đi học mới giải quyết, còn chị để con... thả sức chơi với bố mẹ.

Chị đưa con đi phố ông đồ, đưa con đi tảo mộ, đi mua sắm rồi về bày biện, dọn bàn thờ, nhà cửa chuẩn bị cho Tết. Mỗi hoạt động đó chị đều trao đổi, nói chuyện với con về nguồn gốc, ý nghĩa truyền thống. Chỗ nào chưa rõ thì hai mẹ con mày mò đọc thêm sách, lên mạng tìm hiểu thêm.

Tuy ở thành phố nhưng hai năm nay nhà chị An vẫn tổ chức gói bánh chưng. Làm mâm cúng ngày ông Táo, đêm giao thừa, sáng mùng Một... chị đều kéo con tham gia cùng.

Chỉ mấy ngày nghỉ mà các cháu được trực tiếp nhìn ông đồ viết thư pháp, biết về ý nghĩa của bánh chưng, về việc cúng kiếng ngày Tết, về sự sum vầy của gia đình ngày cuối năm...

“Những điều này tôi nghĩ giá trị với trẻ hơn là ráng làm những bài toán khó hay cố học thêm một vào câu ngoại ngữ”, người mẹ bày tỏ quan điểm.

Coi trọng việc giáo dục các giá trị, kỹ năng nhiều hơn là việc chạy theo kiến thức, từ lâu vợ chồng anh Trần Quốc Hiệu, ở phường 3, quận Bình Thạnh đã nói không với việc ép con làm bài tập dịp Tết. Thay vào đó, họ kéo con tham gia vào mọi hoạt động trong gia đình dịp Tết. Con cái được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ, ý kiến về việc thiết kế sắp xếp nhà cửa, lựa chọn món ăn, chọn quà biếu...

Anh Hiệu nói: “Chỉ riêng việc nấu ăn, bữa cơm gia đình, chúng ta đã có thể lồng ghép dạy cho con sự chia sẻ, kính trên nhường dưới, cách ăn uống lịch sự, ăn trông nồi ngồi trông hướng, tình nghĩa vợ chồng, anh em hay nhìn nhận cá tính của người khác... Những điều này không lo học để làm người, để sống mà sao phải lo những bài tích phân, giải phương trình chưa biết lúc nào mới có dịp dùng đến?”.

Những trang sách giáo khoa, không gian học tập ở lớp học, ép mình trong những chiếc bàn chiếc ghế... đã không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của con trẻ ngày nay. Việc học giờ đã “bung” ra khỏi những khuôn khổ chật chội, thoát ra khỏi những lý thuyết hàm lâm... mà học chính là sống, sống là học thông qua những hoạt động thường nhật.

“Trói” con theo cách học thông thường nên nhiều phụ huynh thấy con không chịu làm bài tập, không chịu ngồi vào bàn học thì như ngồi trên đống lửa, quy ngay con lười biếng, kém cỏi... Họ bỏ qua rất nhiều cơ hội để trẻ học hỏi từ cuộc sống.

Rất nhiều giá trị truyền thống trong ngày Tết trẻ cần được học để làm đẹp cho tâm hồn, cảm xúc
Rất nhiều giá trị truyền thống trong ngày Tết trẻ cần được học để làm đẹp cho tâm hồn, cảm xúc

Trong một lần trao đổi với giáo viên, phụ huynh TPHCM, một nhà giáo dục chia sẻ, đã đến lúc người lớn phải thay đổi quan niệm về việc học. Học không chỉ là vùi đầu làm bài tập, học không đơn thuần chỉ là ngồi trong bàn... Việc học giờ đây phải là việc học ứng xử, giao tiếp, xử lý những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Như vậy trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, thời gian nào trẻ cũng cần học.

Giáo sư Vũ Gia Hiền cho hay, Tết cổ truyền là môi trường trẻ có thể học được rất nhiều thứ, về những giá trị truyền thống, về sự kết nối, về tình làng nghĩa xóm... những thứ mà sách vở hay những lời giáo điều rất khó truyền thụ cho các em. Phụ huynh hãy rủ các em tham gia vào mọi hoạt động, sinh hoạt của gia đình. Đây không chỉ dịp để trẻ thực hành các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức mà hơn hết còn mang đến cho trẻ những cảm xúc linh thiêng. Chứ đừng quá coi trọng tết ăn gì, uống gì, quần áo, quà cáp ra là làm sao... những thứ này quanh năm bây giờ không còn túng thiếu.

Ông Hiền cảnh cũng cảnh báo về việc chúng ta đang quá chú ý nhiều đến giáo dục lý trí, đến vật chất mà ít quan tâm đến đến cảm xúc, đến tâm hồn các em. Rồi khi xảy ra những vụ việc lòng lại kêu trách sao giới trẻ bây giờ vô tâm, vô nhân tính bởi các em không được học, được hiểu, được trải nghiệm về cảm xúc, về tình yêu thương, về lòng nhân. Đây mới chính là thứ giúp giúp trẻ vững vàng, bản lĩnh và sống nội tâm trước phong ba của cuộc sống sau này.Tết càng nên học. Học mà không bị áp lực, học để vui, học những thứ thiết thực...

Kiến thức, những bài Toán, bài văn có cả đời để học nhưng những cảm xúc trong tâm hồn con trẻ nếu không giữ kịp sẽ trôi qua không quay lại.

Hoài Nam