Nghệ An: Quá tải ở bậc học mầm non

(Dân trí) - Theo số liệu điều tra phổ cập thì năm học 2016-2017, bậc học mầm non ở Nghệ An tăng khoảng 20.000 cháu. Nhiều trường, nhiều địa phương phải nhận quá chỉ tiêu. Thậm chí ở một số địa phương, trẻ 2-3 tuổi không được đến lớp vì không đủ cơ sở vật chất để phục vụ việc dạy và học.

Áp lực “Ngựa vàng”

Trong báo cáo tại cuộc họp HĐND tỉnh vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Năm học này, bậc mầm non trong toàn tỉnh sẽ tăng lên khoảng 20.000 cháu, tương đương với 700 lớp học. Trong đó, nhiều nhất vẫn là ở TP Vinh. Đây là điều đã được dự báo từ trước bởi năm học này là năm trẻ em trong tuổi “ngựa vàng” bước vào độ tuổi nhà trẻ.

Một giờ học của lớp 5 tuổi tại Trường mầm non Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Một giờ học của lớp 5 tuổi tại Trường mầm non Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

Số lượng học sinh tăng quá đông trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ (hiện vẫn đang tập trung ưu tiên cho lứa tuổi phổ cập mầm non 5 tuổi), một số trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh khiến “cuộc chiến” vào trường mầm non trở lên quyết liệt hơn.

Trường Mầm non Hoa Sen, năm học 2016 - 2017, được giao chỉ tiêu tuyển mới 50 học sinh. Tuy nhiên số lượng hồ sơ đăng ký đã gấp 4-5 lần so với chỉ tiêu dù rằng nhà trường đã sử dụng đến cách giới hạn độ tuổi tuyển sinh (chỉ nhận các cháu sinh từ tháng 1 đến tháng 8/2014). Với lượng hồ sơ vượt trội như vậy, nhà trường buộc phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm.

Anh Lê Văn Giang (phường Hưng Bình, TP Vinh) đang cuống cuồng tìm chỗ gửi cậu con trai hơn 2 tuổi của mình. “Nếu đúng tuyến thì cháu thuộc đối tượng tuyển sinh của Trường mầm non Hoa Sen nhưng vừa rồi bốc thăm cháu không trúng tuyển vào trường. Vợ chồng tôi cũng xin cho cháu vào một số trường tư thục gần nhà, tiện đưa đón nhưng vẫn chưa được vì họ cũng bảo là kín lớp rồi. Tình hình này thì hai vợ chồng phải để cháu ở nhà với ông bà thêm năm nữa”.

Trường mầm non Vân Diên (Nam Đàn) được chia làm 2 cụm trường với 19 nhóm lớp. Năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 530 cháu nhưng số trẻ thực nhận lên tới 696 trẻ. Năm học này, trường được đầu tư 2 tỷ đồng mở rộng cơ sở vật chất trường lớp, chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng lên 598 cháu. Tuy nhiên theo thống kê, toàn xã đang có 1.055 trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi. Bởi vậy dù đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái nhưng mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu đến lớp của trẻ.

Các cháu mầm non xóm Đồng Minh (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đang học nhờ nhà văn hóa xóm.
Các cháu mầm non xóm Đồng Minh (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đang học nhờ nhà văn hóa xóm.

“Theo thống kê toàn xã có 306 cháu 4 tuổi nhưng trường chỉ có thể tiếp nhận 192 cháu; nhóm 3 tuổi có 286 cháu nhưng chỉ có 53 cháu đi học. Do nhu cầu lớn, trong khi quy mô trường lớp không đủ nên năm nay nhà trường chỉ tuyển sinh mới các cháu sinh năm 2014 từ tháng 1 đến tháng 4. Thông tin tuyển sinh đã được thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh của xã và tổ chức xét duyệt công bằng, cắt từ trên xuống theo ngày tháng năm sinh của trẻ”, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ân - Hiệu trưởng Trường mầm non Vân Diên cho hay.

Theo số liệu khảo sát thì toàn xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 1.024 cháu trong độ tuổi từ 3-5 tuổi; 848 trẻ trong độ tuổi từ 0-2 tuổi. Dù có tới 4 cụm trường với 17 phòng học nhưng Trường mầm non Quỳnh Tân chỉ có thể đáp ứng được 780 trẻ từ 3-5 tuổi, trong đó ưu tiên độ tuổi phổ cập 5 tuổi và 97 trẻ từ 0-2 tuổi.

“Năm nay Trường đã mở thêm 5 lớp mẫu giáo, mở lớp dạy ở nhà văn hóa xóm nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu thực tế”, cô Lê Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Mần non Quỳnh Tân cho hay.

Trường lớp ít, cơ sở vật chất hạn chế, trong khi nhu cầu đến lớp của trẻ lại đông, bởi vậy, Trường mầm non và UBND xã Quỳnh Tân phải sử dụng đến phương án: ưu tiên trẻ trong gia đình sinh để có kế hoạch. Dù biết là không đúng nhưng trước áp lực lớn do tỷ lệ sinh con thứ 3 cao (lên đến 30%) thì phương án này theo ông Chủ tịch UBND xã là “bất khả kháng”.

Nhiều áp lực với giáo viên và nhà trường

Theo tính toán của ngành giáo dục Nghệ An thì nếu tăng 20.000 trẻ phải cần thêm 1.400 giáo viên mới đáp ứng đủ yêu cầu theo chuẩn giáo dục. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì các trường, các địa phương không thể xin thêm biên chế giáo viên cho bậc học mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở Nghệ An mới chỉ đạt từ 1,2 - 1,6 giáo viên/lớp, trong khi đó yêu cầu của Bộ GD-ĐT là 2 giáo viên/lớp (dạy 2 buổi/ngày).

Toàn tỉnh hiện có 533 trường với 6.154 nhóm lớp, trong đó có 1.272 nhóm trẻ và 4.882 lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, số trẻ nhà trẻ huy động chỉ mới đạt 30.132/174.686 cháu (17,2%;) số trẻ mẫu giáo huy động 164.468/182.334 cháu (90,2%).

Nghệ An hiện có 31 trường mầm non tư thục và dân lập nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ra lớp của trẻ. Trong ảnh là một giờ học của các cháu nhà trẻ Trường mầm non Việt Anh, TP Vinh.
Nghệ An hiện có 31 trường mầm non tư thục và dân lập nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ra lớp của trẻ. Trong ảnh là một giờ học của các cháu nhà trẻ Trường mầm non Việt Anh, TP Vinh.

Nhu cầu ra lớp của trẻ lớn trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất lại chưa đảm bảo dẫn đến việc trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, áp lực đối với giáo viên cũng vì thế mà nặng hơn. Hiện, toàn bậc mầm non đang phải sử dụng 689 phòng học tạm, mượn, trong đó phòng học tạm mượn cho trẻ 5 tuổi là 87 phòng. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, công tác duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục.

Theo quy định, diện tích tối thiểu của một học sinh phải đạt từ 1,5 - 1,8m2/cháu nhưng hiện ở Nghệ An chỉ mới đạt khoảng 1m2/cháu. Diện tích nhà vệ sinh cần 12m2/lớp nhưng nay trung bình chỉ mới đạt 4m2/lớp. Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh đang còn 317/1.305 (chiếm 24,3%) sân chơi chưa đảm bảo diện tích theo quy định, 290/1.305 (22,2%) sân chơi chưa có đủ đồ chơi ngoài trời cho trẻ chơi theo yêu cầu của chương trình và chuyên đề...

Để “giảm tải” cho các trường mầm nọn, tỉnh Nghệ An đã khuyến khích và có nhiều cơ chế mở cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập. Toàn tỉnh có 31 trường mầm non dân lập và tư thục, nhưng riêng TP Vinh đã chiếm tới 28 trường, bởi vậy mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu ra lớp của các trẻ ở khu vực thành phố. Số còn lại phải ở nhà hoặc học tại các nhóm trẻ tư nhân nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Các giáo viên mầm non huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Các giáo viên mầm non huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Số trẻ đông nên nhiều trường mầm non “phá rào” tuyển giáo vên hợp đồng sai quy định. Theo thống kê, hiện Nghệ An đang còn khoảng 300 giáo viên mầm non chưa được hưởng các chế độ, chính sách. Mới đây nhất, trong cuộc họp tổng kết năm học, chuẩn bị cho năm học mới, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, các địa phương trong tỉnh đã tuyển dụng sai đến 2.000 giáo viên bậc học mầm non.

Ông Lưu Đức Thuyên - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, bên cạnh tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp về chủ trương, cơ chế chính sách để từng bước đồng bộ kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ với yêu cầu về chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, Sở đang tăng cường chỉ đạo việc phát triển quy mô trường, lớp trong đó trọng tâm phát triển quy mô các trường mầm non ngoài công lập nhằm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, giảm áp lực tuyển sinh và tình trạng số trẻ/lớp vượt quá số lượng quy định tại các trường công lập như hiện nay.

Hoàng Lam - Hoàng Hà