Nghe hiện vật kể “Đà Nẵng - Mậu Thân 1968”

(Dân trí) - Những bức ảnh lịch sử và những nhân chứng sống đã kể cho hàng trăm học sinh, sinh viên Đà Nẵng nghe về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Ngày 25/1, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Nghe hiện vật kể” với chủ đề “Đà Nẵng - Mậu Thân 1968” cho hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Hàng trăm HSSV dõi theo chương trình Nghe hiện vật kể chủ đề Đà Nẵng - Mậu Thân 1968 ở Bảo tàng Đà Nẵng
Hàng trăm HSSV dõi theo chương trình "Nghe hiện vật kể" chủ đề "Đà Nẵng - Mậu Thân 1968" ở Bảo tàng Đà Nẵng

Chương trình đặc biệt có sự tham dự của hai nhân chứng lịch sử là bà Hà Phương Lan ở Hội tù yêu nước Đà Nẵng, là con gái của nữ nhiếp ảnh gia Phụng Ký - người đã thực hiện những bức ảnh lịch sử của Đà Nẵng và ông Huỳnh Ngọc Kim - Chủ tịch Hội tù yêu nước quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Bà Hà Phương Lan - con gái của nhiếp ảnh gia Phụng Ký - nữ biệt động thành nổi tiếng của Đà Nẵng và ông Huỳnh Ngọc Kim - Chủ tịch Hội tù yêu nước quận Thanh Khê, Đà Nẵng
Bà Hà Phương Lan - con gái của nhiếp ảnh gia Phụng Ký - nữ biệt động thành nổi tiếng của Đà Nẵng và ông Huỳnh Ngọc Kim - Chủ tịch Hội tù yêu nước quận Thanh Khê, Đà Nẵng

Hàng trăm HSSV đã xúc động lặng người nghe ông Huỳnh Ngọc Kim, một nhân chứng sống kể về “Đà Nẵng - Mậu Thân 1968”. Ông Huỳnh Ngọc Kim cũng là người xuất hiện trong bức ảnh lịch sử ghi lại hình ảnh lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng đánh vào Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

“Chúng tôi khi ấy cũng bằng tuổi các em HSSV đang ngồi trước mặt tôi hôm nay. Lớp trẻ ngày nay dựng xây đất nước. Còn tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy chỉ có một lý tưởng là quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, không ngại hy sinh cả máu xương để có được Đà Nẵng tươi đẹp hôm nay” - ông Kim nói khi kể lại câu chuyện về những đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong sự kiện lịch sử của dân tộc.

Các sinh viên đặt câu hỏi với những nhân chứng lịch sử về sự kiện Xuân Mậu Thân 1968
Các sinh viên đặt câu hỏi với những nhân chứng lịch sử về sự kiện Xuân Mậu Thân 1968

Trong khi đó, bà Hà Phương Lan, bản thân là một du kích và là con gái của nữ nhiếp ảnh gia Phụng Ký (tên thật Nguyễn Thị Phụng) xúc động kể về người mẹ là nữ biệt động thành nổi tiếng của Đà Nẵng. Nhiếp ảnh gia Phụng Ký đã tổ chức nuôi quân ngay tại tiệm ảnh của mình và làm thẻ căn cước giả để cán bộ của ta dễ dàng hoạt động trong lòng địch. Trong sự kiện Mậu Thâu 1968, bà Hà Phương Lan cũng ra trận, và không quên những lời em gái kể lại về mẹ lúc xông pha hiện trường thực hiện những bức ảnh lịch sử - là những hiện vật hiếm hoi về Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; trong đó có bức ảnh kho xăng An Đồn của ngụy bị pháo kích vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

Nghe hiện vật kể “Đà Nẵng - Mậu Thân 1968” - 4
HSSV ghi lại những hình ảnh tư liệu về sự kiện lịch sử được trình chiếu trong chương trình. Đây là những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Phụng Ký thực hiện
HSSV ghi lại những hình ảnh tư liệu về sự kiện lịch sử được trình chiếu trong chương trình. Đây là những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Phụng Ký thực hiện

Ghi lại những hình ảnh tư liệu lịch sử và lắng nghe các nhân chứng lịch sử kể chuyện, Nguyễn Hương Uyên - sinh viên năm nhất, ĐH Duy Tân chia sẻ: “Là người con lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, em cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này khi nghe các cô, các bác kể lại những trang sử hào hùng của thành phố, và của cả dân tộc mình. Thật sự lâu nay em vẫn nghe về sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, nhưng những kiến thức lịch sử em có được vẫn khá chung chung. Những bức ảnh, những câu chuyện mà em được xem, được nghe hôm nay đã giúp em hiểu sâu sắc hơn về sự kiện này. Em rất xúc động và cảm thấy lòng đầy biết ơn trước tinh thần quả cảm của các bác, các cô ngày ấy, để chúng em được sinh ra, lớn lên trong cảnh thanh bình”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm lung lay ý chí của đội quân xâm lược và tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam. 50 năm đã đi qua, nhưng những ý nghĩa to lớn đó vẫn còn in đậm trong lịch sử dân tộc.

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục