Nghi án trường “ma”: Bộ GD&ĐT yêu cầu trường Newton dừng hợp tác

(Dân trí) - Liên quan đến thông tin Trường George Washington (GWIS) ở Mỹ đang tổ chức liên kết, giảng dạy tại Việt Nam với Trường THCS-THPT Newton (Hà Nội) không có hoạt động giảng dạy tại các địa chỉ mà trường này đăng ký ở Mỹ, Bộ GD&ĐT vừa có công văn chỉ đạo Trường THCS-THPT Newton dừng hợp đồng hợp tác với Trường Quốc tế GWIS theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ GD&ĐT, Trường GWIS ở Mỹ (đang tổ chức liên kết, giảng dạy tại Việt Nam với Trường THCS-THPT Newton, Hà Nội) không có hoạt động giảng dạy tại các địa chỉ mà trường này đăng ký ở Mỹ, không hề có kiểm định quốc gia hay kiểm định vùng.

Về vấn đề này, ngày 13/4/2018, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 1457/BGDĐT-HTQT về việc kiểm tra, xử lý việc hợp tác với Trường Quốc tế George Washington yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện gấp một số công việc.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT chỉ đạo Trường THCS-THPT Newton dừng hợp đồng hợp tác với Trường Quốc tế George Washington theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện các giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi của học sinh đang theo học chương trình hợp tác với Trường Quốc tế George Washington và các bên liên quan.

Thứ hai, kiểm tra việc rà soát nội dung, chương trình song ngữ tiếng Anh đối với các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông của Hoa Kỳ mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện và việc tổ chức giảng dạy tại Trường THCS-THPT Newton theo Công văn số 7212/BGDĐT-HTQT ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Bộ GD&ĐT.

Thứ ba, làm rõ trách nhiệm quản lý trong việc thực hiện chương trình hợp tác của Trường THCS-THPT Newton với nước ngoài để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã có công văn yêu cầu các sở GD&ĐT có liên đới báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về việc dừng việc hợp tác với GWIS, có giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi của học sinh và các bên liên quan (nếu đã triển khai).

Hình ảnh trụ sở mà Trường GWIS quảng cáo được cho là không đúng.
Hình ảnh trụ sở mà Trường GWIS quảng cáo được cho là không đúng.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, một số cơ quan thông tấn báo chí cho biết, Trường GWIS ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận... nhưng tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Nhiều trường phổ thông của Việt Nam cũng đang có chương trình hợp tác với trường này. Cụ thể tại Hà Nội, GWIS đang là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ năm 2012 đến nay.

Ông Phillip Nguyen, được cho là Chủ tịch và là người sáng lập GWIS vừa từ Mỹ trở về và đã cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh trường đủ tư cách pháp nhân.

Trong buổi họp báo ngay sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định đúng quy trình. Tuy nhiên, một số thông tin hai đơn vị này đưa ra còn thiếu thuyết phục.

Liên quan đến nghi án trường GWIS là trường “ma”, ông Pope Thrower - người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - cho biết, phụ huynh có thể kiểm tra thông tin về trường tại Mỹ qua trang web của một số cơ quan quản lý.

Ông Phillip Nguyen về Việt Nam để giải thích sự việc với phụ huynh học sinh Trường Newton.
Ông Phillip Nguyen về Việt Nam để giải thích sự việc với phụ huynh học sinh Trường Newton.

Cụ thể, website của Cục An ninh Nội địa Mỹ, cơ quan quản lý danh sách các trường được cấp phép tuyển sinh học sinh quốc tế tại Mỹ theo thị thực F-1 và M-1. Mỗi tiểu bang duy trì danh sách các trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 và công khai trên mạng.

Nhân viên đại sứ quán đã kiểm tra và không tìm thấy tên GWIS trong các danh sách này.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ có thẩm quyền và giám sát đối với các trường học có trụ sở tại Mỹ, không phải các tổ chức được thành lập hoặc hoạt động bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Ông cũng nói thêm, thông tin “Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do GWIS cấp cho những học sinh theo chương trình GWIS tại trường Phổ thông Quốc tế Newton" mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra trước đó không chính xác.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội không chứng thực bằng cấp và bảng điểm. Việc chứng thực như vậy cần thông qua một quá trình xác minh, có thể được thực hiện ở Mỹ.

“Việc Đại sứ quán có thể làm và đã làm trong trường hợp này, là chấp nhận bản tuyên thệ, trong đó với việc tuyên thệ trước sự chứng kiến của một cán bộ lãnh sự, người ký tên vào bản tuyên thệ có thể cam đoan về sự xác thực của bằng cấp”, ông Thrower nói.

Mỹ Hà