Nghệ An:

Nghỉ hè, phụ huynh chật vật tìm nơi gửi trẻ

(Dân trí) - Con nghỉ hè, bố mẹ cuống cuồng tìm nơi gửi trẻ. Có điều kiện thì mang con đi gửi nhà trẻ tư, nếu không thì gửi về quê cho ông bà. Thậm chí, có chị còn phải mang con lên cơ quan tá túc vì không có người trông hộ.

Khi các trường mầm non nghỉ hè cũng là lúc các phụ huynh cuống cuồng tìm nơi gửi trẻ
Khi các trường mầm non nghỉ hè cũng là lúc các phụ huynh cuống cuồng tìm nơi gửi trẻ.

Sáng nay, chị Thương (xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) đi họp phụ huynh cho bé Hải Đăng (4 tuổi) về, cười hí hửng: “Vậy là không phải nghỉ hè. Phụ huynh đồng tình đề nghị nhà trường dạy thêm dịp hè nên không phải quýnh quáng như năm ngoái nữa”. Khoe xong, mặt chị chợt xị xuống “Nhưng các cháu nghỉ 2 tuần, dịp thi đại học và cao đẳng để nhà trường nhường phòng phục vụ kỳ thi. Không biết tính răng đây”.

Niềm vui của chị Thương kể ra cũng đúng. Hai vợ chồng làm công nhân nhà máy sữa dưới Cửa Lò, có khi làm thông ca hoặc làm ca đêm. Năm ngoái, Hải Đăng được nghỉ hè đúng 1 tháng thì cũng chừng ấy thời gian cả hai vợ chồng cuống cuồng không biết gửi con ở đâu. Nghỉ làm để ở nhà trông con thì không được, nhờ bố mẹ ở quê ra trông cháu cũng không xong vì ông bà còn có việc đồng áng, nhà cửa.

“Mấy ngày đầu, hai vợ chồng cố gắng đổi ca để có người trông con nhưng không thể đổi mãi được. Có hôm bố Hải Đăng đi làm ca đêm, còn chị thì sáng mai phải đi làm sớm. Trước khi đi, chẳng nhờ được ai trông giúp thằng bé nên khóa cửa nhốt trong nhà, chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ. 8h, bố nó về, thấy con khóc sưng cả mắt, thức ăn, nước uống rơi vãi tứ tung, anh ấy chỉ biết ôm con mà khóc. Việc thì không bỏ được, mà nhốt con cũng không xong, đành gửi con về tận trong quê ngoại ở Hương Khê (Hà Tĩnh) gần 1 tháng, cuối tuần tranh thủ phóng xe gần 100 cây số về thăm con cho đỡ nhớ. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ớn”, chị Thương tâm sự.

Không nhờ được người trông, có lần chị Thương phải nhốt con trong nhà để đi làm
Không nhờ được người trông, có lần chị Thương phải nhốt con trong nhà để đi làm.

Bởi vậy, sáng nay đi họp phụ huynh, chị Thương nêu ý kiến cho các cháu học hè tại trường, các phụ huynh khác cũng nhiệt tình hưởng ứng. Các cô giáo cũng mong được nghỉ hè nhưng trước đề nghị khẩn khoản của phụ huynh nên cũng đồng ý. 8 cô giáo, thay phiên nhau thành 2 ca để vừa đảm bảo công việc, vừa được nghỉ ngơi. Còn phụ huynh thì khỏi phải nói, vừa trút được mối lo tìm nơi gửi trẻ, vừa yên tâm vì con mình được các cô giáo chăm sóc.

Năm ngoái, không tìm được nơi gửi con nên vợ chồng anh Trần Trung Thiện (phường Bến Thủy, TP Vinh) đành gửi con về quê ở Nam Đàn cho ông bà. Được về quê, khỏi phải nói, bé Tú Anh vui như thế nào. Nhưng hết hè, đón con lên thành phố để tiếp tục đi học, chẳng ai còn nhận ra con bé trắng trẻo trước đây. Suốt ngày phơi nắng, con bé đen nhẻm, chân tay đầy sẹo do suốt ngày theo các anh chị đi nghịch ngoài đồng.

“Ở quê ao hồ nhiều, ông bà lại nhiều việc nên gửi con về quê cũng không yên tâm, sợ nhỡ có gì sơ sểnh. Năm nay, Tú Anh được 7 tuổi rồi, vợ chồng tôi tính cho cháu đi học múa ở Nhà văn hóa thiếu nhi Việt - Đức. Tốn thêm khoản tiền nhưng yên tâm hơn”, anh Thiện cho biết.

Không nhờ được người trông, có lần chị Thương phải nhốt con trong nhà để đi làm
Có điều kiện thì thuê người trông giúp, nếu không, các phụ huynh phải gửi con về quê cho ông bà trông hộ suốt thời gian con nghỉ hè.

Chị Nguyễn Thị Phượng (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) thì may mắn hơn. Thằng bé thứ 2 hơn 2 tuổi gửi ở nhà trẻ tư nhân nên không phải lo chuyện nghỉ hè. Con bé lớn 5 tuổi, học trường công lập nên nghỉ hè một tháng. “May ông bà nội ngoại đều ở gần nên dịp nghỉ hè, con bé gần như “tá túc” ở nhà ông bà. Tối, bố mẹ sang đón về. Dầu sao được ông bà chăm sóc cũng yên tâm hơn là đi tìm chỗ gửi vì chỉ trong 1 tháng, cháu cũng khó mà làm quen được với môi trường mới, bạn bè mới”, chị Phượng cho biết.

Đồng nghiệp của chị Phương cũng có đứa con gái 5 tuổi, ông bà ở quê xa, lại đau ốm luôn nên không gửi bé Tũn về dưới quê được. Không tìm được chỗ để gửi con trong dịp nghỉ hè, chị đành đưa con lên cơ quan. Sự có mặt của cháu bé tại cơ quan nhận được sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp của mẹ. Các cô chú mua kẹo, bánh, quà để làm thân với Tũn. “Sếp” cũng hết sức thông cảm nên không có ý kiến gì.

Con bé chơi ngoan, lại lễ phép nên mọi người đều yêu quý. Chơi một lúc, Tũn buồn ngủ quá nên lăn ra ghế làm một giấc. Đến hôm thứ ba thì nó bắt đầu chán bởi vì các cô, các chú phải làm việc, không có ai chơi cùng, với lại chị Nga - mẹ Tũn cũng thấy ngại với sếp và các đồng nghiệp trong cơ quan, chị đành phải đưa con đi gửi hôm thì ở nhà bạn, hôm thì nhà các bác, các dì bên nội bên ngoại.

“Nhà neo người, ông bà nội ngoại ở xa, tìm được chỗ đồng ý trông trẻ trong vòng 1 tháng không phải dễ nên cứ đến hè là vợ chồng tôi lo ngay ngáy. Chuyện ai đi gửi con, gửi con ở đâu cũng khiến vợ chồng hục hặc với nhau. Đợt này đang tính cho cháu theo học lớp năng khiếu gì đấy ở Nhà văn hóa thiếu nhi nhưng thể trạng con bé cũng yếu nên đang lưỡng lự. Học cả năm rồi, giờ được nghỉ mấy ngày mà bắt đi học nữa cũng thấy tội con.

Vẫn biết là các cô giáo cũng cần có thời gian nghỉ ngơi nhưng mà… Chỉ mong mấy ngày nghỉ hè trôi qua nhanh nhanh”, chị Nga tâm sự.

Hoàng Lam