Khổ học thành tài:

Nghị lực của Hoàn

(Dân trí) - Người khiếm thị có khả năng chuyển tải tới người khiếm thị nhạy bén hơn. Anh dựa vào kinh nghiệm học đàn của mình, dựa vào đôi tai của mình để đánh giá tiếng đàn của từng em. Anh kiểm tra tư thế ngồi, cách cầm đàn và vẻ mặt của học trò bằng... tay.

Đó chính là hình ảnh của anh Trần Quốc Hoàn, hiện đang tham gia giảng dạy đàn bầu tại trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội.

 

Câu chuyện về anh hay chính xác hơn là nỗi bất hạnh của anh bắt đầu từ trận ốm dai dẳng của người mẹ. Người dân quê lam lũ, suy nghĩ còn giản đơn. Mẹ anh đã dùng nhiều thuốc và cao hổ khi đang mang thai đứa con út này. Cái thai bị biến chứng - đỡ trên tay “khúc ruột thứ 5” của mẹ, các bác sĩ chỉ còn biết lắc đầu, ái ngại. Gia cảnh khó khăn, nhà toàn nương rẫy, có gì bố mẹ anh cũng cầm cố lấy tiền chạy vào Nam, lao ra Bắc chạy chữa đôi mắt cho con.  Nhưng kết quả nhận lại cũng chỉ là lời động viên: “Hi vọng sau này cháu trưởng thành có thể đi phẫu thuật lại mắt, rất có thể...”

 

Năm lên 9, Hoàn được người ông họ mang ra Hà Nội đưa vào học trường Nguyễn Đình Chiểu. Con cá nhỏ bị mắc cạn trong niềm mặc cảm, được tiếp cận với dòng chảy mới nên thoả sức vẫy vùng. Hoàn cởi mở tấm lòng với những người bạn khiếm thị. Anh yêu đời và thể hiện rõ năng khiếu chơi đàn bầu của mình.

 

Trần Quốc Hoàn sinh năm 1981 tại xã Đức Chính - huyện Vụ Quang - tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp khoa Nhạc cụ dân tộc trường Nhạc viện Hà Nội (khoá 2000 - 2004). Hiện anh tham gia giảng dạy đàn bầu tại trường Nguyễn Đình Chiểu – 21 Lạc Trung, Hà Nội và là sinh viên khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn.

Tiếng đàn bầu thân thuộc như lời ca của mẹ, như hơi ấm lan toả từ cơ thể đã bao bọc anh suốt bao năm trời. Hoàn “say” đàn bầu. Anh thuộc làu làu các bài hát: Lên ngàn, Cung đàn đất nước, Dáng đứng Bến Tre... Muốn theo đuổi cây đàn bầu đến tận cùng, anh thi tiếp vào học 4 năm trung cấp Nhạc viện Hà Nội và học tiếp 4 năm đại học.

 

Cảm phục nghị lực hơn người của anh, trường Nguyễn Đình Chiểu đưa anh vào giảng dạy cho các em khoá dưới. Hoàn khen bọn trẻ tiếp thu nhanh, chăm chỉ và có ý chí. Tôi thì ngại ngần với câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu: “Người sáng mắt dậy người khiếm thị đã khó nay anh không nhìn thấy...”. Hoàn cười: “Vậy mà được đấy”.

 

Tôi lại hỏi anh đam mê với âm nhạc thế lại thi tiếp vào khoa Báo chí? Anh bảo muốn học thật nhiều, phải học gấp nhiều lần người bình thường mới đủ bù lấp khoảng cách về tri thức, về cuộc sống. Anh ham muốn khám phá những điều mới lạ, muốn viết về thế giới nội tâm của những người khiếm thị. Chính vì thế, gạt những lời ngăn cản sang một bên, anh thi tiếp vào khoa Báo chí từ khi đang học năm thứ 3 trường Nhạc viện Hà Nội.

 

Anh cũng rất tự tin với mong ước sẽ viết bài cho mấy tạp chí về người khuyết tật.

 

Hàn Nguyệt